Thần thoại Bắc Âu

2.7K 4 1
                                    

Thần thoại Bắc Âu

Thần thoại Bắc Âu bao gồm tôn giáo và tín ngưỡng thời kỳ tiền Ki-tô giáo, cùng với các truyền thuyết của cư dân vùng Scandinavia, kể cả những người định cư trên đảo Iceland - nơi tìm thấy nhiều tư liệu viết của thần thoại Bắc Âu. Dị bản nổi tiếng của thần thoại Bắc Âu là thần thoại các dân tộc gốc Đức vốn hình thành từ thần thoại các dân tộc Ấn-Âu tồn tại trước đó.

Tôn giáo các dân tộc Bắc Âu không dựa trên một "sự thật" được truyền trực tiếp từ thần thánh đến con người (tuy cũng có những câu chuyện người trần được thần thánh viếng thăm) và không có những văn bản chính quy như Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo hay kinh Qur'an của Hồi giáo. Thần thoại Bắc Âu được truyền miệng dưới dạng những bài thơ dài. Việc lưu truyền tôn giáo Bắc Âu diễn ra mạnh nhất vào thời Viking. Người ta tìm hiểu về thần thoại Bắc Âu chủ yếu qua các sử thi Edda và các văn bản ghi chép trong thời đạo Thiên chúa mở rộng về khu vực Scandinavia. Thần thoại Bắc Âu có ảnh hưởng lớn đến các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Nguồn

Thần thoại Bắc Âu tồn tại chủ yếu bằng con đường truyền miệng, do đó nó bị thất truyền một phần lớn. Tuy nhiên, không phải tất cả đều bị mất đi nhờ vào các ghi chép của các học giả Ki-tô giáo, đặc biệt là các Edda và tác phẩm Heimskringla của Snorri Sturluson - người tin rằng các vị thần thời kỳ tiền Ki-tô giáo không phải là quỷ dữ. Một tác phẩm đáng chú ý khác là Gesta Danorum của Saxo Grammaticus. Do đa phần các tư liệu còn sót lại về tôn giáo của người Bắc Âu cổ là do những người theo đạo Thiên Chúa Giáo viết, các vị thần Bắc Âu trong tác phẩm này bị sửa đổi nhiều, và biến thành "người" chứ không phải là "thần". Đặc biệt là Saxo Grammaticus viết về các bị thần Bắc Âu như "bọn lừa đảo và mọi rợ". Ông ta viết bằng tiếng Latin, chối bỏ ngôn ngữ của cha ông mình, "Grammaticus" là tên Latin do ông tự đặt cho mình. Saxo cho Odin và Thor là những kẻ đã "mượn hơi" các vị thần trong thần thoại La Mã như Jupiter và Mercury để được nổi tiếng.

Edda bằng văn xuôi được viết vào đầu thế kỷ 13 bởi Snorri Sturluson, một nhà thơ, nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao ở Iceland. Nó chủ yếu được coi là sổ tay cho các nhà thơ mới vào nghề. Edda bằng văn xuôi bao gồm những chú giải về các hình tượng truyền thống thường được dùng trong thơ ca. Nhờ tác phẩm này, những mẫu chuyện rời rạc trong thần thoại Bắc Âu được kể lại một cách hệ thống và liên tục.

Edda bằng thơ được cho là xuất hiện 50 năm sau Edda bằng văn xuôi. Nó gồm 29 bài thơ dài, trong đó 11 bài nói về các vị thần, số còn lại là về các anh hùng trong thần thoại như Sigurd của dòng họ Volsung (Siegfried trong trường ca Nibelungenlied của Đức). Dù các học giả thường cho rằng nó được sáng tác sau Edda bằng văn xuôi, văn phong và thể thơ của tác phẩm chứng tỏ các bài thơ trong đó đã được sáng tác khá lâu trước khi bản viết tay của chúng ra đời.

Ngoài các tài liệu trên còn có các bản khắc chữ Rune như các bản khắc trên bảng đá ở Rök và tấm bùa Kvinneby cũng là nguồn khảo cứu quý giá. Ngoài ra còn có các bản khắc và hình vẽ thể hiện các cảnh trong thần thoại Bắc Âu như chuyến đi câu của Thor, các cảnh từ trường ca Volsunga, Odin và Sleipnir, Odin bị Fenrir nuốt chửng, Hyrrokkin đến dự đám tang của Balder.

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: May 05, 2010 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

Thần thoại Bắc ÂuNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ