Tô Hoài là một nhà văn luôn trăn trở về số phận con người trong những trang viết của mình. Các sáng tác của ông không chỉ khơi sâu nỗi đau của con người trong những năm tháng cách mạng mà còn nhén lên ngọn lửa của một tương lai tươi sáng. "Vợ chồng A Phủ" là một trong những tác phẩm như vậy. Tác phẩm là niềm thương nỗi nhớ mà Tô Hoài gửi gắm vào miền đất Tây Bắc - một Tây Bắc anh dũng, kiên cường và là nơi đã diễn ra bao cuộc chiến đấu đã đi vào lịch sử. Nỗi niềm ấy được gửi vào cảnh vật, vào những số phận con người nơi đây. Với tấm lòng yêu thương con người, nhà văn đã xây dựng được những hình tượng nhân vật thật đặc sắc. Mị chính là một trong số những nhân vật đó, thể hiện sức sống tiềm tàng của người dân Tây Bắc.
Trước hết, ta hãy giải thích khái niệm "sức sống tiềm tàng". "Tiềm tàng" ở bập bùng, ở bên trong. "Sức sống tiềm tàng" là một nghị lực sống đang cháy âm ỉ trong người, chỉ cần một tác động nhỏ là nó sẽ bật ra ngay. Sức sống tiềm tàng của Mị chính là những gì mà nhà văn muốn nói đến trong tác phẩm. Đó là một ngọn lửa sống dường như là vĩnh cửu. Đọc tác phẩm ta thấy dường như cuộc đời Mị đã bị dập tắt hết niềm tin vào cuộc sống này. Nhưng với ngòi bút nhân đạo và giàu tình thương, Mị hiện lên thật giàu tinh thần sống. Tô Hoài đã nhìn thấy được sức mạnh tiềm ẩn bên trong Mị.
Mị đã thể hiện sức sống tiềm tàng của mình qua rất nhiều các biểu hiện khác nhau. Trước hết ta có thể thấy việc Mị phản ứng khi bị bắt về làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí. Mị biết rằng cuộc sống khi về đó sẽ là cuộc sống của "con trâu con ngựa", một cuộc sống sống không ra sống. Mị biết thừa cái bản chất ác ôn của lũ cầm quyền, chúng sẽ đè bẹp cuộc sống của cô. Cô lại càng biết rằng chúng lấy Mị về không phải vì tình yêu, mà chúng sẽ coi mị như là một người ở, một món đồ chơi trong nhà. Nhưng nhìn lại Mị thì sao ? Ấy là một cô gái xinh đẹp, hiền hậu, có tài uốn lá thổi sáo. Một người con gái như vậy liệu có chấp nhận sống một cuộc sống địa ngục như vậy ? Không thể như vậy được ! Mị nghĩ đến việc tự tử bằng nắm lá ngón. Phải chăng thoạt đầu khi đọc đến đây, ta sẽ nghĩ rằng Mị đã đánh mất đi sức sống của mình ? Nhưng không phải vậy, đó lại chính là một biểu hiện mãnh liệt của lòng khát sống. Một cuộc sống địa ngục trần gian không lối thoát đang chờ đón Mị, sống còn khổ hơn chết. Mị chết đi, chính là tự giải thoát mình khỏi nơi chốn này, để bắt đầu một cuộc sống ở một thế giới khác. Đó chính là biểu hiện đầu tiên của sức sống tiềm tàng trong nhân vật Mị.
Sức sống tiềm tàng ở Mị còn được thể hiện ở việc tự nguyện quay trở lại nhà thống lí Pá Tra. Nhìn bề ngoài, ta ngỡ Mị đã chịu đầu hàng, nhưng thật ra lại không phải như vậy. Khi Mị quay về thăm cha, cha Mị đã bảo rằng: "Mày chết nhưng nợ của tao thì vẫn còn, quan lại nó bắt tao trả nợ". Mị đứng trước hai lựa chọn: một là giải thoát cho mình, hai là giữ trọn chữ hiếu với cha. Và thế là Mị đã quyết định chọn con đường báo hiếu cho cha. Mị không nghĩ ích kỉ cho riêng bản thân mình, mà đó là vì người đã giành bao công sức để nuôi nấng mình nên người. Người cha còn đó, không thể chỉ vì ích kỉ mà bỏ mặc được. Chính vì vậy, Mị đã giữ trọn chữ "hiếu" với cha. Đây cũng chính là một trong những biểu hiện của sức sống tiềm tàng của Mị.