2.4. Tiểu thuyết
Quá trình hình thành và phát triển
Tiểu thuyết là một thể loại văn xuôi tự sự cỡ lớn, có khả năng tiếp cận con người và cuộc sống chi tiết, sinh động trên cả chiều rộng và bề sâu. Không bị giới hạn về dung lượng, tiểu thuyết có thể dung chứa trong tác phẩm nhiều cuộc đời trong những điều kiện văn hoá, lịch sử, xã hội không giới hạn. Tiểu thuyết lên ngôi trong thời kỳ văn học cận, hiện đại, trở thành một thể loại giầu tiềm năng và uy lực. Không thể hình dung được diện mạo một nền văn học, nếu nền văn học đó thiếu vắng tiểu thuyết. Bakhtin từng gọi tiểu thuyết là "thể loại chúa tể" trong các nền văn học. Nhiều tác phẩm tiểu thuyết nhân loại đã trở thành những cuốn "bách khoa toàn thư" bất tử. Những bậc thày văn chương nhân loại lỗi lạc đa phần là các tiểu thuyết gia, chẳng hạn Gôgôn, Lép Tônxtôi, Đoxtôiépxki, Víchto Huygô, Ban Giắc, Đích Ken, Xtăngđan...
Một thể loại có vị trí đặc biệt quan trọng như vậy nhưng lại có một lịch sử sinh thành và phát triển đầy thăng trầm. Ở châu Âu, tiểu thuyết xuất hiện khi xã hội cổ đại tan rã, ý thức cá nhân bắt đầu được khẳng định. Thực ra tư duy tiểu thuyết vốn gắn với những bất trắc của thế giới đời tư con người đã xuất hiện từ khá sớm ở châu Âu.
Tiểu thuyết cổ Hy Lạp thường kể về những chuyện ly kỳ, ngẫu nhiên, dồn đẩy con người vào những hoàn cảnh éo le qua những cuộc phiêu lưu mạo hiểm.
Các truyện về tình yêu trắc trở phải qua bao lang bạt mới xum họp, chuyện về các hiệp sĩ trung cổ phiêu lưu qua các vương quốc, lâu đài... cho thấy con người cá nhân đã bắt đầu cảm thấy số phận của mình đã không còn được bảo lãnh an toàn trong cuộc sống cộng đồng xã hội cổ đại. Nhiều thách thức mới đã buộc ý thức cá nhân con người buộc phải trỗi dậy và tự khẳng định. Bêlinxky từng khẳng định "đời sống cá nhân bất luận thế nào cũng không thể là nội dung của anh hùng ca Hy Lạp nhưng có thể là nội dung của tiểu thuyết".
Tiểu thuyết châu Âu được khẳng định vào thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ XIV - XVI) khi ý thức cá nhân con người đã hoàn toàn thoát khỏi sự cương toả của thần quyền nhà thờ. Ý thức cá nhân cùng với lý tưởng nhân văn mới dựa trên cơ sở phê phán hoàn cảnh đã làm cho tiểu thuyết có được cơ hội phát triển mới về chất lượng.
Păngtagruyen của Rable, Đônkihôtê của Xecvantét... là những tác phẩm có sức phản kháng quyết liệt không chỉ đối với chế độ phong kiến mà với cả những hạn chế của các quan hệ tư sản, khẳng định nhu cầu sống thiết yếu của con người cả về vật chất lẫn tinh thần. Các tiểu thuyết sau đó của Bôcaxiô, Prêvô, Vichto Huygô... khiến tiểu thuyết của châu Âu giầu có thêm về chất tiểu thuyết nhờ khả năng miêu tả chiều sâu tâm lý con người.
Thế kỷ XIX tiểu thuyết châu Âu đạt được thành tựu nở rộ trọn vẹn với sự xuất hiện của các nghệ sĩ bậc thầy như Bangiắc, Xtăngđan, Đíchken, Tháccơrây, Gôgôn, Đoxtôiépxki, Lép Tônxtôi... Thế giới tinh thần phong phú của con người trong các mối quan hệ xã hội rộng lớn, những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình... đã được tiểu thuyết hiện thực châu Âu khắc hoạ thành công. Quy mô tiểu thuyết thế kỷ XIX đạt đến tầm vóc đồ sộ chưa từng có như bộ Tấn trò đời của Ban giắc; Dòng họ Rugông Macca của Dôla, Chiến tranh và hoà bình của L.Tônxtôi... Đây là giai đoạn phát triển hoàng kim của tiểu thuyết châu Âu để đến khoảng những năm 50-70 của thế kỷ XX tiểu thuyết Tây Âu rơi vào khủng hoảng qua số phận "sớm nở tối tàn" của dòng tiểu thuyết mới khởi sinh từ Pháp. Thế kỷ XX tiểu thuyết hiện đại Âu Mỹ tuy không có những tác phẩm mang quy mô đồ sộ như thế kỷ XIX song cũng đã xuất hiện những tiểu thuyết có ý thức đi sâu vào thế giới bí ẩn của đời tư con người như Giăng Crixtốp củ Rômanh Rôlăng, Ngọn núi kỳ diệu của Tômax Mann, Đi tìm thời gian đã mất của Mácxen Prút; Chuông nguyện hồn ai của Hêmingwê... Nhiều tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô đã đem đến cho tiểu thuyết những sắc màu mới trong việc tiếp cận cuộc sống con người như Người mẹ của Goóc Ky, Suối thép của Sêraphimôvich, Sông Đông êm đềm của Sêkhov...