Phần thứ hai
HỌC THUYẾT KINH TẾ CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN VỀ PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT TƯ BẢN CHỦ NGHĨA
Chương IV
HỌC THUYẾT GIÁ TRỊ
Số tiết của chương:
Số tiết giảng:
Số tiết thảo luận, tự học:
A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
- Sinh viên nắm được điều kiện ra đời, đặc trưng và ưu thế của sản xuất hàng hóa.
- Nắm được khái niệm hàng hóa, hai thuộc tính của hàng hóa, mối quan hệ biện chứng giữa hai thuộc tính của hàng hóa, tính hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa.
- Nắm được nội dung lượng giá trị hàng hóa và các nhân tố ảnh hưởng đến lượng giá trị hàng hóa.
- Nắm được lịch sử ra đời và bản chất của tiền tệ.
- Nắm được các chức năng của tiền tệ.
- Nắm được nội dung của quy luật giá trị, tác động của quy luật giá trị.
B. NỘI DUNG BÀI GIẢNG
I. ĐIỀU KIỆN RA ĐỜI, ĐẶC TRƯNG VÀ ƯU THẾ CỦA SẢN XUẤT HÀNG HOÁ
1. Điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hoá
Lịch sử phát triển của nền sản xuất xã hội đã và đang trải qua hai kiểu tổ chức kinh tế, đó là sản xuất tự cấp tự túc và sản xuất hàng hoá.
- Sản xuất tự cấp tự túc là kiểu tổ chức kinh tế mà sản phẩm do lao động tạo ra là nhằm thoả mãn trực tiếp nhu cầu của người sản xuất.
- Sản xuất hàng hoá là kiểu tổ chức kinh tế mà ở đó sản phẩm được sản xuất ra để trao đổi hoặc mua bán trên thị trường.
Sản xuất hàng hoá ra đời, tồn tại khi có đủ hai điều kiện sau:
Thứ nhất: Có sự phân công lao động xã hội.
Phân công lao động xã hội là sự chuyên môn hoá sản xuất, là sự phân chia lao động xã hội thành các ngành, nghề khác nhau. Do phân công lao động xã hội nên mỗi người sản xuất sẽ làm một công việc cụ thể, vì vậy chỉ tạo ra một hoặc một vài loại sản phẩm nhất định. Song trong cuộc sống của mỗi con người lại cần đến rất nhiều sản phẩm khác nhau. Để thoả mãn nhu cầu, đòi hỏi họ phải có mối liên hệ phụ thuộc vào nhau, phải trao đổi sản phẩm cho nhau..
Phân công lao động xã hội là cơ sở, tiền đề của sản xuất hàng hoá. Là điều kiện cần nhưng chưa đủ.
Thứ hai: Sự tách biệt tương đối về mặt kinh tế của những người sản xuất (Chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, hay tính chất tư nhân của quá trình lao động).
+ LLSX phát triển chế độ tư hữu về TLSX cũng phát triển và có những hình thức khác nhau.
+ Do các quan hệ sở hữu khác nhau về TLSX quyết định, nên trong thực tiễn đã dẫn đến sự tách biệt về kinh tế giữa những người sản xuất hàng hoá xác định người sở hữu TLSX là người sở hữư sản phẩm lao động.