- Sao hôm nay Lãng bày trò khách sáo thế? Thì hãy chờ đọc đã nào!
Quả nhiên, Huệ thấy Lãng ghi lộn xộn thật. Đây là một tập “quân trung tùy bút” hơn là một tập nhật ký quân sự. Nhưng chính cái chất chủ quan, riêng tư, chính sự lộn xộn tùy hứng của cuốn nhật ký đã khiến Huệ thích thú, hào hứng.
Huệ đọc một mạch cho đến khuya, đặc biệt Huệ chú ý đến ghi chú của Lãng về cuộc khẩn hoang ở Bến Nghé và các khu họp chợ quanh thành.
Trang nhật ký Lãng đã chép: (dịch nôm)
“Vùng Gia Định là đất mới nên không có sự ràng buộc khá chặt chẽ giữa tá điền và điền chủ như ở đàng ngoài: thích thì họ ở, buồn họ đi. Ở mỗi làng xã số dân đinh không cần nhiều. Chừng ba mươi người đứng tên chịu đóng thuế là hợp thủ tục để lập làng mới. Vì vậy dân đinh hợp pháp đều là những điền chủ có tiền loại giàu có hoặc khá giả. Tá điền có quyền không ghi tên vào bộ sổ để rồi họ tùy thích sống theo qui chế dân lậu. Nhưng đã dân lậu thì họ không được vào ban hương chức, không được dự tiệc cúng đình làng, không được kiện cáo bất cứ ai khi bị áp bức. Trái lại, nếu có ai tố cáo họ thì họ bị xem như có lỗi trước. Họ sống bềnh bồng rày đây mai đó, làm ruộng dạo, làm mướn từng ngày hay từng buổi. Có thể họ không biết tiết kiệm, không lo gom vốn làm ăn nhưng xét đời sống quá dễ dàng ở Gia Định trước kia và hiện nay thì họ còn quá nhiều chỗ dung thân. Cho nên mới có câu nói đùa: trời sinh ra người, người nào cũng có lộc nhiều lộc ít. Đất sinh cỏ, cỏ nào cũng có rễ ngắn rễ dài...”
Nguyễn Huệ đọc đến đây thì dừng lại. Ông cảm thấy nhận xét của Lãng có gì không được ổn. Đọc lại lần nữa, ông thấy Lãng mâu thuẫn một cách ngây thơ, dễ dãi. Căn cứ vào điều kiện sinh sống thuận lợi của Gia Định, Lãng đã suy ra rằng: những người nông dân chân lấm tay bùn không có đất cắm dùi phải đem thân làm tá điền cho nhà giàu nhiều ruộng vẫn được quyền tự do tùy thích sống theo ý mình. Lãng viết: “họ sống theo qui chế dân lậu tùy thích. Thử xem dân nghèo sống ngoài bộ sổ của nhà nước được tùy thích như thế nào? Chính Lãng đã kể: họ tùy thích ở ngoài các ban hương chức ở nông thôn, tùy thích đứng tận ngoài ngõ xa thèm thuồng nhìn các dân đinh giàu có ăn tiệc cúng đình, tùy thích không được kiện cáo ai, và nếu ai có kiện cáo họ, thì họ tùy thích giơ lưng gánh chịu tất cả mọi phần thua thiệt, tội lỗi. Tùy thích được sống bấp bênh, nay đây mai đó, và nếu bỏ ruộng điền chủ cũ mà chưa tìm ra điền chủ mới, thì tất nhiên họ tùy thích được nhịn đói. Vì dù trời đất Gia Định mưa thuận gió hòa (một giạ thóc cấy xuống rồi giao cho trời đến mùa có thể thu được vài trăm giạ như sử có chép) nhưng không có lúa thóc nào vô chủ, tự mọc tự mẩy hạt. Thử bứt một gié lúa nhai cho đỡ đói xem! Họ sẽ tùy thích mang gông cho đến bạc đầu trong xó ngục. Làm gì có một đời sống thơ thới tùy thích khi dân nghèo Gia Định bị đẩy ra khỏi sổ bộ hợp pháp, làm ruộng dạo làm thuê ngày, lòng bâng khuâng ổn định cho chính mình, huống chi nói đến các ước vọng cho tương lai. Đã đành ai cũng thể nói đùa để tự an ủi mình. Nhà nho lạc đệ nghèo đói thì đùa “Quân tử thực vô cầu bảo”. Dân nghèo Gia Định cũng có cách nói đùa riêng để quên nhọc nhằn, đói khác, lạnh lẽo, tuyệt vọng, phẫn nộ... Nhưng tất cả những câu đùa cợt chua chát ấy không nói được gì khác ngoài sự đau khổ trước bất công của nhân sinh. Huệ lấy bút lông chấm mực khoanh vòng hai chữ tùy thích của Lãng, rồi đọc tiếp qua phần ghi chú các chợ Bến Nghé.