Tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh” – hay còn gọi là “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du là một trong những tác phẩm kinh điển trong lịch sử văn học Việt Nam. Gồm 3254 câu thơ được viết theo thể lục bát, tác giả đã tạo nên một kiệt tác văn học có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống con người Việt nam. “Truyện Kiều” đã phản ánh hiện thực bất công trong xã hội phong kiến; cho người đọc thấy được cảnh sống khốn cùng của nhân dân dưới sự vùi dập của các thế lực bạo tàn, đặc biệt là với người phụ nữ và ca ngợi những vẻ đẹp của con người. Và, qua đoạn trích “Trao Duyên” của tác phẩm, ta hiểu thấu được bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh và đồng thời nhân cách cao đẹp của nhân vật Thúy Kiều.
Đoạn trích “Trao Duyên” nằm ở vị trí từ câu 723 đến câu 756 trong “Truyện Kiều”. Đây là đoạn thơ mở đầu cho quãng đời khổ đau và lưu lạc của Thúy Kiều. Trong cơn gia biến, một mình nàng Kiều phải đứng ra thu xếp mọi việc. Sau khi cân đo đóng đếm giữa chữ hiểu và tình, Kiều đành ngậm ngùi bán mình chuộc cha. Mặc dù phận mình thế nào cũng đành, nhưng nàng vẫn không đành lòng bội nghĩa với chàng Kim – người mà nàng yêu tha thiết. Suy nghĩ, dằn vặt một hồi lâu, Kiều đành nhờ em gái mình là Thúy Vân thay nàng nối duyên với chàng Kim để trả nghĩa này.
18 câu thơ mở đầu đoạn trích là lời trao duyên, trao kỉ vật tình yêu của Kiều dành cho Thúy Vân.
“Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.”
Trước khi nói lời trao duyên cho em, Thúy Kiều đã mở đầu bằng những từ ngữ vô cùng kính cẩn khiến cho lời nhờ cậy ấy cũng thêm phần trang trọng. Để biểu hiện cho sự nhờ vả, Nguyễn Du đã dùng từ “cậy” hàm chưa niềm tin, sự trông mong vào sự giúp đỡ của người khác. Bên cạnh đó, từ “chịu” lại mang sắc thái nài ép, người được nhờ chẳng thể chối từ nhưng cũng vô cùng thiệt thòi. Qua đó, ta hiểu được rằng, việc mà Kiều định nhờ Thúy Vân là một việc vô cùng quan trọng mà Vân chẳng thể nào thoái thác, song việc ấy cũng đem lại những thiệt thòi cho nàng. Hai câu thơ mang sắc thái của sự khẩn cầu thiết tha. Thúy Kiều là chị, nhưng nàng lại nói với em mình bằng lời lẽ của người chịu ơn, của một kẻ đang làm phiền lụy người khác. Điều đó đã hé mở rằng, câu chuyện mà Kiều định nói là một chuyện vô cùng hệ trọng.
“Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kì,
Hiểu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.”
Ở sáu câu thơ sau, Thúy Kiều đã giãi bày câu chuyện của mình. Bằng việc sử dụng những thành ngữ, tác giả không chỉ gợi ra hoàn cảnh éo le mà còn thể hiện sự bối rối, bất lực của Kiều. Chuyện tình của Kim Kiều đương đậm sâu, đẹp đẽ, hai người lại từng thề nguyện kết duyên vợ chồng. Nhưng ngờ đâu sóng gió lại ập đến một cách bất ngờ: “Sự đâu sóng gió bất kì” khiến cho tình cảm tha thiết ấy bị chia lìa. Mối tình Kim Kiều với biết bao nhiêu kỉ niệm đã được dồn nén trong hai câu thơ. Điều đó thể hiện sự tế nhị của nàng Kiềm, bởi nói sao vừa đủ để khiến cho Thúy Vân thấu hiểu nỗi khổ tâm của nàng mà lại không khiến cho em chạnh lòng. Bên cạnh đó, các sử dụng cụm từ “tơ thừa mặc em” khi nhờ Vân nối duyên đã biểu lộ sự phó thác vào em trong hoàn cảnh éo le ấy. Những lời lẽ cậy nhờ của Thúy Kiều đã thể hiện sự thấu hiểu với tình cảnh của Thúy Vân: nối duyên cho chị là một sự thiệt thòi lớn cho nàng. Trao duyên, với người người trao là một sự mất mát lớn nhưng đồng thời người nhận cũng phải chịu nhiều ấm ức. Sự sâu sắc của Thúy Kiều trong câu chuyện cũng chính là sự thấu hiểu của Nguyễn Du ở phương diện tình cảm của con người. Qua lời giãi bày ấy, ta thấy được sự day dứt, áy náy của Thúy Kiều dành cho em mình. Sau cùng, để thuyết phục em nhận lời, Kiều đã đưa ra nhiều lí lẽ “thấu tình đạt lí”.