Kể từ châu Kao Lâm ở phía đông và miền bản Slay ở phía tây mà đến, từ mạn bản Pắc đi xuống, và từ bản Hạ trở lên, cách non mười dặm chung quanh chỉ có quả núi đá Văn Dú là cao lớn nhất.
Sừng sững giữa trời, bao quát đồi cây gò đất, núi ấy trông đường bệ hách dịch như đứng làm chúa tể cho cả một vùng phong cảnh hoang vu. Dân Thổ ở các làng gần đó, ngày nào cũng trông thấy ngọn núi mù mù lam tím, nhô lên trên những hàng rừng xanh chi chít um tùm.
Những buổi hoàng hôn bóng chiều soi riêng một phía cũng như các ngày ủ dột âm u, Văn Dú lại hiện ra với một vẻ riêng oai linh và mầu nhiệm.
Đối với ngọn núi lớn, người Thổ không chỉ có tấm lòng kính cẩn phảng phất đối với mọi cảnh bát ngát cao cả, họ còn sợ hãi Văn Dú như một vật có tri giác, có quyền phép làm hại người. Ở những miền quanh đó và trong thời bấy giờ, ai nói tới Văn Dú là một sự gở lạ. Họ chỉ gọi đến tên quả núi trong những khi tức giận nhau mà chửi rủa hay những khi thề bồi. Một người say rượu lớn tiếng xúc phạm đến Văn Dú cũng đủ làm cho khắp cả một châu biết đến tên mình; họ thuật lại những lời nói và cử chỉ của anh ta một cách e dè, nhưng đó là thứ chuyện họ ưa nghe ưa kể nhất.
Núi Văn Dú có một cái hang lớn. Đó là nơi chứa những tai hoạ ghê gớm cho giống người Thổ và là cái nguồn những sự khủng khiếp và những chuyện kinh hoàng. Người ta gọi hang là hang Thần, vì đó là chỗ thần núi ở.
Thần núi Văn Dú linh thiêng lắm, lại rất độc ác và hay nghi ngờ. Người nào hoặc vô tình, hoặc cả gan đến gần thần núi là bị thần hang bắt vào giết đi. Cho nên từ Văn Dú trở ra chừng hai ba dặm chỉ toàn thấy rừng xác, đất hoang; người Thổ không dám đến khai phá để cày cấy.
Trong một năm có nhiều khi trời đất đang yên bỗng đùng đùng một cơn sấm sét. Trên không gió vù, chớp loáng như gươm thiêng vung tít; cây cối vật vã tan nát, người vật lo sợ mất hồn. Khắp mọi nhà đều khua gõ inh ỏi cùng với các bà then thầy pháp kêu khấn cho đến khi nguôi cơn. Nhưng thế mới đỡ tai hoạ.
Lại nhiều khi, sau một hồi giông tố dữ dội, mây đen biến hết, ánh nắng lại soi xuống; bấy giờ trên đỉnh núi chập chờn một tầng khói phủ dần dần bay đi. Trong đám hơi trắng mà người ta bảo là nộ khí của thần hang, có người nói rằng thường trông thấy những hình bóng kỳ dị.
Trong trí tưởng tượng của người Thổ thì cửa hang Thần trông như mồm con yêu hay hổ quái gở. Cái mồm ấy phun ra những hơi độc làm thành dịch tễ, gió bão để phá huỷ các làng. Trước cửa hang Thần, người thì bảo có toàn đầu lâu, người thì bảo có đủ các rắn rết. Lại có người khoe đã nằm mơ vào tận trong hang xem. Qua khỏi những chỗ nguy hiểm rồi thì đến nơi ruộng nương tươi tốt, suối chảy thong dong, cây lá rườm rà, bò lợn từng đàn ăn trên những bãi cỏ xanh non, lại có các nàng tiên nhởn nhơ chăn dắt. Song cái tấm ảnh đào nguyên kia, người tả cũng cho là một cảnh mai mỉa không thể làm dịu được vẻ độc ác của núi Văn Dú gây nên bởi những truyện phao truyền từ trước đến giờ. Những người già cả trong làng thì cho rằng hang Thần hoá thiêng là vì trong đó chôn cất không biết bao nhiêu thây của quân giặc Khách. Bọn giặc này sang tàn phá nước Nam khi trước bị quân ta đuổi riết, túng thế ẩn vào Văn Dú rồi bị hãm chết đói trong hang. Đứa nào cũng mang theo rất nhiều vàng đã cướp của dân lành. Nay những của ấy hãy còn, nhưng chúng thành thần để giữ lấy.