Hoàng tử bé là một cuốn sách kỳ lạ được viết bởi một tác giả kỳ lạ. Saint-Exupéry đâu phải là nhà văn thường, mà là một nhà văn-phi công! Ông sáng tác Hoàng tử bé trong thời kỳ lưu vong khi nước Pháp bị chiếm đóng, khi ông không được bay theo đúng nghĩa. Nỗi đau ấy thể hiện thoáng qua trong lời đề tặng của cuốn sách. Tại ngôi nhà The Bevin House ở Long Island, New York, ông đã ngày đêm viết và minh họa cho cuốn truyện, với sự trợ giúp của bánh kẹp trứng trộn, gin và tonic, Coca Cola và thuốc lá. Ngôi nhà rộng lớn ấy cũng là nơi ông dễ dàng di chuyển ghế ngồi để đuổi theo ánh nắng cuối ngày. Chính cái nhìn trầm tư mặc tưởng của ông trước những cảnh hoàng hôn ở nơi ấy, đã trở thành phần không thể thiếu của Hoàng tử bé, với buổi chiều 44 lần ngắm mặt trời lặn trứ danh của cậu chàng hoàng tử.
Chỉ vài tuần sau khi Hoàng tử bé được nhà Reynal & Hitchcock in tại Mỹ năm 1943 gần như cùng lúc gồm 260 bản tiếng Pháp và 525 bản tiếng Anh do Katherine Woods dịch, tác giả của nó đã gia nhập Lực lượng không quân Pháp mà chưa hề nhận nhuận bút ( ông cũng không bao giờ được nhận). Tuy thế, Hoàng tử bé vẫn mãi là niềm tự hào vô bờ của Saint-Exupéry, và ông đã luôn mang theo một cuốn cho riêng mình để đọc trong suốt cuộc chiến tranh.
Có thể nói, mặc dù được viết bằng một ngôn ngữ giản dị, dí dỏm, giàu chất thơ, hướng về tuổi thơ, nhưng Hoàng tử bé, trọng sâu xa, lại là một cuốn sách đầy triết lý, suy tư dành cho người lớn. Trong thế giới sách vở, cũng khó có tác phẩm nào lại mở rộng phổ đọc về cả tuổi trẻ lẫn tuổi già thành công được như Hoàng tử bé. Tuổi trẻ đọc nó để nuôi mộng bình sinh, còn tuổi già đọc nó để ngấm nỗi nhân sinh.
Với những trang viết dịu dàng khó tả, cùng những bức vẽ màu nước nên thơ quá đỗi, Hoàng tử bé thực sự là một áng văn chương bất hủ chạm tới bề sâu của tâm hồn con người, một bài thơ thâm trầm u uẩn nhắc nhở về một thế giới khô cằn, đơn điệu, đáng chán, xa lạ và phi lý của con người.
Khi Hoàng tử bé trở lại chỗ cậu rơi xuống trên Trái Đất, nơi mà ở đó con rắn đang chờ đợi, cậu muốn bước tiếp một mình, và cậu nói: "Hãy để tôi đi bước nữa một mình."
Rồi cậu đã "đi bước nữa". Và ngã xuống.
Cái bước đi tối hậu ấy, chính là chén đắng của riêng cậu, một chàng hoàng tử ở nước trời, trót vì khúc mắc với một bông hoa hồng mà rớt xuống trần gian và nay đã tới lúc phải trở về.
Hoàng tử bé vì thế khác nào là phúc âm về một chiên con , một hài đồng, ngạc nhiên tìm hiểu các sự vật hiện tượng trong thời gian bị đọa đày xuống trần gian. Nhưng Hoàng tử bé chẳng vì vậy mà yếm thế hay bi lụy. Trái lại, đó còn là tiếng cười vui tươi của một trí tuệ hồn nhiên như nhất. Hoàng tử bé bật cười thú vị trước mỗi kẻ cậu gặp trên đường chu du: ông vua không thần dân, ông nhà buôn mở tài khoản sở hữu các vì sao ở ngân hàng, ông hợm hĩnh luôn thích được hoan hô, ông nát rượu và lối uống quẩn quanh bế tắc, nhà địa lý không bao giờ đi đâu cùng với các tri thức vĩnh cửu... Tiếng cười ấy đã cất lên mà chẳng chút ác ý, khó chịu. Hoàng tử bé chỉ cười vui, cười nhẹ nhõm trước tất cả những ham muốn thống trị, sự mê say sở hữu, thói tự cao tự đại, lối sống bê tha tắc tị cũng như những khoa học quan liêu...
Cái cười vô chấp và thánh thiện ấy hồn hậu dành cho tất cả, vậy nên đơn giản chỉ là người nào tức cười, người ấy phải chịu. Ngay cả là những người lớn, đối tượng bị cười nhiều nhất, cũng có thể không cần phải ngượng quá. Dẫu không nhớ ra được trước kia mình từng là trẻ con, dẫu bây giờ luôn thấy những biệt thự tiền tỉ thì quá ư là đẹp.
Hoàng tử bé chẳng lớn tiếng rao giảng một bài học nào, nhưng cậu đã cho ta thấy bao điều cùng lúc: cả nụ cười lẫn nước mắt, cả niềm vui cùng nỗi buồn thương, cả tình yêu lẫn sự đỏng đảnh khó lường của nó, sự nghi ngờ lẫn lòng bao dung, cả điều hồn nhiên đơn giản lẫn những suy tư sâu thẳm, cả nỗi đau đang nhức nhối cho tới sự nguôi ngoai mai hậu, cả cuộc sống phi lý chóng mặt đến vẻ đẹp tĩnh tại rạng ngời, cả cái phù du mong manh lẫn cái tự tại vĩnh cửu...
Hoàng tử bé đã ra đi, về phía muôn vì sao, nhưng những bài học của cậu thì ở lại...
Bài học về việc biết thuần hóa những gì ta yêu, và còn sẵn sàng được thuần hóa bởi người ta yêu, kể từ một bông hồng. Bởi vì người ta "chỉ hiểu những thứ mà người ta thuần hóa", và "phải chịu trách nhiệm vĩnh viễn" với những gì mình đã thuần hóa.
Dù bài học ấy, ai mà biết được, có thể khó khăn và khổ sở đến mức nào. Bởi một lẽ chúng ta chẳng phải từ trên trời rơi xuống, mà đều là cư dân trên "Trái Đất bằng đá hoa cương", với biết bao nhiêu những quản vương, nhà buôn, người hợm hĩnh, kẻ nát rượu...
Bài học về điều cốt tủy chẳng bao giờ nằm ở vẻ bề ngoài, bởi vì "người ta chỉ nhìn rõ bằng trái tim".
Bài học về vẻ đẹp của sa mạc, bởi vì nó luôn "giấu một cái giếng ở đâu đó".
Bài học về các vì sao là năm trăm triệu cái chuông biết cười, cũng đồng thời là năm trăm triệu cái giếng nước.
Hoàng tử bé, vì thế, chính là một tụng ca ấm áp chống lại hư vô, là một khúc ca hân hoan của hiện hữu.
Vậy nên giờ đây, đối với chúng ta, những người phàm, những kẻ "được lấy ra" từ đất rồi một ngày kia sẽ được đưa trở lại với đất, các vì sao trên trời bao giờ cũng thật đẹp, bởi một hoàng tử bé mà chúng ta chẳng nhìn thấy.
Nhưng luôn cảm thấy ở trong tim.
YOU ARE READING
Hoàng tử bé
RandomTôi cứ sống cô độc như vậy, chẳng có một ai để chuyện trò thật sự, cho tới một lần gặp nạn ở sa mạc Sahara cách đây sáu năm. Có một thứ gì đó bị vỡ trong động cơ máy bay. Và vì bên cạnh chẳng có thợ cũng như hành khách nào nên mình tôi sẽ phải cố sử...