[Part 2] Kể chuyện về Kim Loại

34 0 0
                                    

Fe

Người lao động vĩ đại

Năm 1910, đại hội địa chất quốc tế đã họp tại Xtockholm. Vấn đề chống nạn đói sắt là một trong những vấn đề quan trọng nhất được đặt ra cho các nhà bác học. Một ủy ban đặc biệt có nhiệm vụ tính toán trữ lượng sắt trên thế giới đã trình bày trước đại hội bản cân bằng trữ lượng này trên trái đất. Theo kết luận của các chuyên gia cỡ lớn thì 60 năm nữa tức là năm 1970, các mỏ sắt sẽ cạn kiệt hoàn toàn.

May mắn thay, các nhà bác học ấy là những nhà tiên tri loại xoàng, mà ngày nay, loài người không phải quá dè xẻn trong việc sử dụng sắt. Nhưng liệu điều gì sẽ xảy ra nếu những lời tiên đoán của họ trở thành sự thật và quặng sắt sẽ cạn kiệt? Cuộc sống sẽ ra sao nếu sắt hoàn toàn biến mất và trên hành tinh chúng ta không còn một gam nguyên tố này nữa?

“... Các đường phố sẽ lâm vào cảnh hoang tàn khủng khiếp: không có đường ray, không có toa xe, không có đầu máy xe lửa, không có ô tô ... thậm chí đá lát đường cũng biến thành đất bụi, còn cây cỏ sẽ khô héo và tàn lụi vì không có thứ kim loại rất cần cho sự sống này.

Sự tàn phá như cơn lốc sẽ bao trùm khắp trái đất và sự diệt vong của loài người sẽ trở thành một điều không thể tránh khỏi.

Vả lại, con người cũng không thể sống sót tới thời điểm đó, bởi vì, chỉ cần mất đi ba gam sắt trong cơ thể và trong máu thôi thì con người cũng đã đủ chấm dứt sự tồn tại của mình trước khi xảy ra những biến cố kể trên. Mất hết sắt trong cơ thể, tức là mất năm chục phần triệu trọng lượng của mình - điều đó đối với con người có nghĩa là cái chết!”.

Tất nhiên rồi, vì muốn nói lên vai trò cực kỳ to lớn của sắt trong cuộc sống của chúng ta nên nhà khoáng vật học Xô - viết lỗi lạc, viện sỹ A. E. Ferxman đã phác họa một bức tranh buồn thảm đến như vậy. Nếu không có sắt thì không có một sinh vật nào có thể tồn tại trên trái đất: chính nguyên tố hóa học này có mặt trong máu của tất cả mọi loại động vật trên hành tinh chúng ta. Sắt hóa trị hai có trong huyết cầu tố (hemoglobin) - chất cung cấp oxi cho các mô của cơ thể sống. Chính vì có sắt nên máu có màu đỏ.

Hồi thế kỷ trước, lần đầu tiên các nhà bác học đã phát hiện được sắt trong máu người. Người ta kể rằng, khi biết điều đó, một sinh viên hóa học si tình đã quyết định tặng người yêu một chiếc nhẫn làm bằng sắt của máu mình. Cứ định kỳ lấy máu ra, anh chàng thu được một hợp chất mà từ đó tách sắt ra bằng phương pháp hóa học. Chưa gom đủ sắt để làm chiếc nhẫn thì anh chàng tội nghiệp này đã lăn ra chết vì thiếu máu: chính toàn bộ lượng sắt có trong máu người chỉ vẻn vẹn có vài gam.

Khi thiếu sắt, người chóng mệt mỏi, bị nhức đầu thần sắc trở nên lờ đờ. Ngay từ thời xưa người ta đã biết những đơn thuốc “chứa sắt” khác nhau. Năm 1783, “Tạp chí kinh tế” đã viết: “Trong một số trường hợp, bản thân sắt là một vị thuốc rất tốt, uống mạt sắt thật mịn ở dạng đơn sơ hoặc tẩm đường đều bổ ích”. Cũng trong bài báo này, tác giả còn giới thiệu những thứ “thuốc sắt” khác, như “tuyết sắt”, “nước sắt”, “rượu vang thép” (chẳng hạn, “rượu vang chua như rượu vang sông Ranh), ngâm với mạt sắt sẽ là một thứ thuốc rất tốt”).

[Part 1] Kể chuyện về Kim LoạiWhere stories live. Discover now