Cái thú đọc sách, đọc tiểu thuyết tôi đã nói đến rất nhiều ở những mục trên. Nhân loại còn thì còn có người đọc sách; nước nào có nhiều người đọc sách bao giờ cũng văn minh hơn những nước không đọc sách, thờ ơ hoặc ít người đọc.
Ở nước ta thịnh hành nhất là lối tiểu thuyết bằng thơ như Đoạn trường Tân Thanh, Phan Trần, Hoa tiên, Bích câu kỳ ngộ, v.v... hay những truyện rất nôm na như Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa.
Ở bên Trung Hoa hầu hết là tiểu thuyết bằng văn xuôi, phần nhiều là tiểu thuyết lịch sử có tính cách răn đời, càng về sau trình độ càng kém vì truyện dựa vào dị đoan, những phép tiên rồi sau cùng đến truyện kiếm hiệp có tính cách khiêu dâm để câu độc giả.
Ở bên Nhật và các nước Tây Phương sổ sách và số độc giả nhiều quá sức tưởng tượng. Không một ai có thể tự hào là đọc được hết tiểu thuyết của nước mình cho dẫu cả đời chỉ chuyên môn đọc sách. Riêng tôi, tôi đã đọc đến năm sáu trăm cuốn tiểu thuyết trinh thám Anh Mỹ (truyện trinh thám Pháp tôi đọc rất ít vì thực ra ít cuốn hay ngoài Maurice Leblanc và Gaston le Roux; gần đây có G.Siménon viết một trăm bảy mươi cuốn nhưng đọc vài ba truyện mà người Pháp ca tụng tôi đành phải rút lui ngay).
Có một điều chính là ai thích đọc loại nào thì đọc loại ấy và cứ xem những sách của người ta đọc để biết người ấy.
Câu "Văn tức là người" có thể đổi ra "sách đọc tức là người"
*
Có một câu áp dụng về việc đọc sách rất nhiều ý nghĩa: "Ở các quán trọ Y Pha Nho anh tìm thấy ở đấy cái gì mà anh đem đến". Nghĩa là khi mình đọc một cuốn sách mình đã định tâm tìm cái gì thích thú cho mình trong cuốn sách đó mình không bao giờ đọc một cuốn truyện mà bản tính không ưa. Nếu thế thì sự đọc sách chỉ là một cái tội nợ, không đem lại chi lợi gì chỉ trừ sách cần đọc để nghiên cứu, để thi cử hay để hiểu một điều gì mình muốn hiểu.
Một người thích truyện kiếm hiệp dở cuốn Chiến tranh và Hoà bình của Tolstoï ra, chắc chỉ đọc vài chục trang sẽ tự hỏi: "Cả thế giới ai cũng khen Tolstoï không biết truyện này hay ở chỗ nào, viết gì mà lạt lẽo như thế này, có mỗi buổi dạ hội mà cũng kéo dài hơn trăm trang" rồi người ấy bỏ sách đi lấy cuốn Ngũ Hổ bình Nam hoặc La Thông tảo Bắc và tấm tắc khen: "Truyện phải thế này mới là truyện chứ".
Người khác đọc Ngũ hổ bình Nam hay La Thông tảo Bắc đến những chỗ các tướng quăng tửu bối hoá mây đen, gươm đao, hổ sói hùm lang, họ cũng quăng sách qua cửa sổ và nói: "Truyện gì mà quái quỷ như vậy". Rồi họ lấy cuốn Chiến tranh và Hoà bình ra đọc mê man, có khi đọc đi đọc lại đến năm sáu lượt mà càng đọc lại càng thấy truyện hay hơn những lần trước.
Trước khi đọc một cuốn sách nào mình cần phải tự hỏi mình định tìm cái gì ở trong truyện ấy. Riêng tôi, tôi đã đọc độ vài ba trăm cuốn tiểu thuyết Việt, ba bốn chục truyện Tàu, năm sáu trăm truyện trinh thám của Anh Mỹ và cùng vào khoảng chừng ấy những truyện đủ các loại khác nhau của Anh Pháp Mỹ từ cuốn Đỏ đen của Stendhal, Middlemarch của Eliot, Jane Eyre của Charlotte Brontë, Ethan Frome của Edith Wharton đến những truyện gần đây như Of Human Bondage (Thân phận người đời) của Somerset Maugham, The Old Man and the Sea (Ông già và biển cả) của Hemingway, v.v...