Vấn đề chính quyền như Lênin đã nhiều lần chỉ rõ là vấn đề cơ bản và quyết định sự phát triển của cách mạng. Người nhấn mạnh: "Chính quyền nhà nước nhất định là vấn đề chủ yếu nhất của mọi cuộc cách mạng. Giai cấp nào giữ chính quyền? Điều đó quyết định tất cả". Vì vậy, Đảng cộng sản khi lãnh đạo cách mạng nhất thiết đặt lên hàng đầu mục tiêu giành lấy chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đánh đuổi giặc ngoại xâm để giành lấy chính quyền đã khó, thì việc giữ vững chính quyền về tay nhân dân lại càng khó khăn hơn, lâu dài và gian khổ hơn. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh điều đó, đặc biệt là trong giai đoạn sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, việc giữ vững một chính quyền còn non trẻ trong thời kỳ 1945-1946 với vô vàn những khó khăn, thù trong, giặc ngoài.
1. Hoàn cảnh lịch sử nước ta sau Cách mạng Tháng Tám và chủ trương kháng chiến, kiến quốc của Đảng
Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền nhân dân vừa mới được thành lập đã phải đương đầu với những khó khăn, thử thách rất nghiêm trọng. Đất nước bị các thế lực đế quốc, phản động bao vây và chống phá quyết liệt.
Cuối tháng 8 - 1945, theo thoả thuận của Đồng minh ở Hội nghị Pốtxđam (Posdam), gần 20 vạn quân của chính phủ Tưởng Giới Thạch ồ ạt kéo vào nước ta từ vĩ tuyến 16 trở ra làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Theo chúng là lực lượng tay sai phản động trong hai tổ chức "Việt quốc" và "Việt cách" Vào Việt Nam, quân Tưởng Giới Thạch còn ráo riết thực hiện âm mưu tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, đánh đổ chính quyền cách mạng, lập chính quyền phản động tay sai của chúng. Đằng sau quân Tưởng là đế quốc Mỹ đang nuôi dã tâm đặt Đông Dương dưới chế độ "uỷ trị", một trá hình của chế độ thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
Phía Nam vĩ tuyến 16, quân đội Anh với danh nghĩa quân Đồng minh giải giáp quân đội Nhật đã đồng loã và tiếp tay cho thực dân Pháp quay lại Đông Dương. Ngày 23-9-1945, được quân Anh giúp sức, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai.
Trên đất nước ta lúc đó còn có khoảng 6 vạn quân Nhật đang chờ giải giáp. Một số quân Nhật đã thực hiện lệnh của quân Anh, cầm súng cùng với quân Anh dọn đường cho quân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng ở miền Nam.
Lúc này, các tổ chức phản động "Việt quốc", "Việt cách", Đại Việt ráo riết hoạt động. Chúng dựa vào thế lực bên ngoài để chống lại cách mạng. Chúng quấy nhiễu, phá rối, cướp của, giết người, tuyên truyền, kích động một số người đi theo chúng chống lại chính quyền cách mạng và đòi cải tổ Chính phủ lâm thời và các bộ trưởng là đảng viên cộng sản phải từ chức. Chưa bao giờ trên đất nước ta có mặt nhiều thù trong, giặc ngoài như lúc này.
Hơn nữa, Chính quyền cách mạng non trẻ tiếp quản một nền kinh tế nghèo nàn, một xã hội lạc hậu. Sản xuất hầu như ngưng trệ, đất canh tác bị bỏ hoang, nhân dân thiếu lương thực, thực phẩm tiêu dùng. Nhà nước không có gạo dự trữ, ngân khố trống rỗng. Nạn đói hoành hành ở nhiều vùng thuộc đồng bằng Bắc bộ. Tệ nạn xã hội và các di sản của văn hóa nô dịch quá nặng nề, trình độ dân trí thấp, 95% số dân không biết chữ. Cán bộ cách mạng hầu như chưa có kinh nghiệm quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội. Nước VNDCCH hầu như bị bao vây, cô lập với thế giới bên ngoài. Tình thế của dân tộc, của cách mạng vô cùng hiểm nghèo; vừa phải chống lại kẻ thù xâm lược, vừa phải khắc phục nạn đói, nạn dốt để bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ độc lập dân tộc. Vận mệnh tổ quốc, dân tộc trong thế "ngàn cân treo sợi tóc".