Người đàn ông ấy là người mà ta gọi là thúc phụ. Hai hõm mắt sâu thần thái, dáng người uy nghi đường bệ, nước da đen sạm đặc trưng của người dân làng chài. Mỗi lần ghé qua phủ Phụ quốc thái úy của phụ thân, thúc phụ đều dặn ta đứng bên cạnh để hầu người, để ta làm quen với những cuộc đàm luận chính trị. Bàn tay của thúc phụ, theo thói quen, vẫn đặt lên đầu ta, rồi xoa xoa ấn ấn. Qua những ngón tay trần chai ráp của người, bao giờ ta cũng cảm nhận được biết bao nhiệt huyết xen lẫn phiền muộn, lo toan.
Bàn tay ấy, vì cơ nghiệp giang sơn, đã mạnh dạn dựng nên một ván cờ làm chấn động cả triều đình, văn võ bá quan lẫn bách tính trăm họ. Bàn tay ấy, mạnh mẽ và dứt khoát, đã đẩy ta một bước lên ngai cao, khai sáng nhà Trần, vỗ yên trăm cõi. Lớp khí ấm nóng tỏa ra từ bàn tay của người đã dìu dắt ta những bước đầu tiên vững chắc, giúp ta làm quen với thảm đỏ của những cung vàng điện ngọc bề thế và huy hoàng.
Song, bàn tay người cũng đã vô tình trói buộc một mảnh đời vào cuộc đời ta vĩnh viễn.
Nàng từ trên ngai cao chín bệ, một chân bước xuống và an phận với danh vị Hoàng hậu sau lưng ta. Những trò đùa trẻ thơ hồn nhiên, tình cảm đôn hậu và chân thành đã theo chúng ta lớn lên, trở thành những hoài niệm đẹp đẽ. Nhưng, hai ta không thể mãi mãi là những đứa trẻ sống an phận. Thời gian buộc chúng ta phải trưởng thành, phải hiểu về thế cuộc xung quanh, tự nhận diện những điều được che giấu đằng sau chiếc rèm cung đình hoa lệ. Chúng ta không giống như bao đứa trẻ khác, chỉ là bạn bè ở bên cạnh nhau để vui buồn chia sớt. Khi dần lớn lên, ý thức ấy đã khiến ta không còn vui với những trò chơi trẻ con ngày nào.
Để chuyện triều chính rối ren cho Thượng hoàng và thúc phụ đảm nhận thay ta, ta theo Thái phó Phùng Tá Chu học về kinh điển Nho gia, tìm hiểu Phật học. Những ngày vùi mình trong kinh thư đã cuốn ta vào niềm say mê vô tận, cho phép ta gác bỏ qua một bên trách nhiệm xã tắc trĩu nặng trên vai mình. Và chúng cũng đủ làm cho ta quên mất đi sự hiện diện của nàng, đủ làm ta lớn khôn để nhận ra ta nợ nàng, và đủ để khiến ta hiểu ra một điều rằng, ta không thể thương yêu nàng được...
Và rồi chúng ta lớn lên trong im lặng. Thế giới của hai ta cách biệt nhau đến mức không thể dung hòa. Rồi một dạo nọ, ta tình cờ bắt gặp một thiếu nữ nhỏ nhắn, kiều diễm trong vườn thượng uyển đằm thắm sắc xuân. Gương mặt của người con gái ấy hoàn mỹ như bước ra từ bức tranh, vẻ đẹp thanh thoát, mong manh tưởng như có thể tan vào vòm nắng nhạt. Những đường nét ấy thân quen lắm, nhưng nhất thời ta không nhớ ra để gọi tên nàng ấy được. Có phải là nàng không? Hóa ra nàng cũng đã như ta, đã trưởng thành...
Mùa xuân năm ấy, khi khí vị đặc biệt mà gió đông mang về tô hồng những nụ đào trong vườn thượng uyển đã không còn khuấy động được những rung cảm đơn sơ, nhỏ nhoi trong lòng ta, ta nhận ra mình đã chai sạn. Thế mà thân xác này chỉ mới mười lăm xuân non nớt, ta khẽ cười trong vô thức, nụ cười gượng gạo như của con bù nhìn rơm dang tay giữa ruộng đồng ngút ngàn dầm mưa dãi nắng, dù chẳng vui nhưng người ta đã vẽ lên mặt nó một nét cười, nên nó phải cười. Những bước chân vô tình đẩy ta lên đến lầu Thụy Hương. Trăng xuân tròn vành vạnh, tỏa lớp sáng vàng dìu dịu soi sáng phía ngoài hiên, nơi nàng ngồi lặng lẽ. Từng cánh hoa hồng nhạt, nhỏ bé, mỏng tang đang nhảy múa một góc trời đen thẫm tựa như muốn vì nàng mà cháy hết sức sống. Nhưng đôi mắt nàng lại mông lung hướng về vầng trời nào đó rất đỗi xa xăm, nửa thân người vươn ra khỏi lan can hệt như muốn hóa thân, trút linh hồn mình vào gió ngàn để được tự do mãi mãi. Khi ấy, ta tưởng như sự tồn tại của nàng chỉ là một ảo ảnh nhòa nhạt. Phụng bào quanh người tỏa ánh kim quang, biến nàng thành một vầng trăng thứ hai, đẹp đẽ và trong sáng vô ngần.
BẠN ĐANG ĐỌC
MÙA TRĂNG [One-shot, Dã sử Việt, Trần Thái Tông - Lý Chiêu Hoàng]
Historical Fiction+Tác giả: A. Inako +Nhân vật: Trần Cảnh - Lý Phật Kim +Thể loại: one-shot/dã sử +Độ tuổi: 15+ +Lưu ý: *Tác phẩm này không liên quan tới truyện dài Du trình phi tận của chính tác giả, không phải là kiểu tóm tắt ngắn của Du trình. *Truyện thuộc về s...