Trước Cách mạng Tháng Tám, nội dung văn học nước ta đều xoay quanh về chủ đề cuộc sống cơ cực của người nông dân nghèo trong xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến. Điển hình là tác phẩm nổi tiếng "Chí Phèo" của Nam Cao. Tác phẩm xoay quanh về làng Vũ Đại và nhân vật Chí Phèo, người đại diện cho tầng lớp nông dân cũ, bị tha hóa bởi chính xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến, từ anh canh điền hành lành trở thành tay anh chị giang hồ, con ác quỷ của làng Vũ Đại khiến mọi người khiếp sợ.
Chí Phèo là đứa trẻ mồ côi cha mẹ, được người dân trong làng Vũ Đại nhặt được ở lò gạch cũ và truyền tay nhau nuôi lớn. Lớn lên làm canh điền cho lí Kiến, bị lí Kiến ghen và vu oan đẩy vào ngục tù. Bảy, tám năm sau, Chí được thả và bị lợi dụng làm tay sai cho bá Kiến. Ít lâu sau, hắn gặp được Thị Nở, thấy mình như được sống lại với chính mình, hắn ngỏ ý làm vợ chồng với Thị nhưng bị Thị từ chối. Chí tuyệt vọng, cầm dao chạy đến đâm bá Kiến đòi lại lương thiện của chính mình và tự vẫn.
[QUÁ TRÌNH THA HÓA CỦA CHÍ PHÈO]
Chí Phèo vốn là anh canh điền hiền lành, là đứa trẻ mồ côi cha mẹ, không nhà, không cửa được người dân trong làng truyền tay nhau nuôi lớn. Anh nghèo đến nỗi "không có miếng đất cắm dùi" nhưng trong anh là một người lương thiện, là chàng trai nông dân đầy khỏe khoắn. Và anh có lòng tự trọng rất cao, mặc dù luôn bị bà ba bắt bóp chân và làm những điều bà ta muốn nhưng anh vẫn không thích, "hai mươi tuổi, người ta không là đá nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt", "người ta không thích cái gì người ta khinh". Lúc bấy giờ, ước mơ lớn nhất của anh là "có một gia đình nhỏ, chồng cày thuê, cuốc mướn, vợ dệt vải". Nhưng thật không may, ước mơ đó của anh mãi sẽ không thực hiện được khi anh sống ở cái xã hội đầy bất công như thế này.
Sau tám năm ở tù oan, Chí Phèo ra tù với vẻ ngoài đầy khác hẳn và từ đây cũng bắt đầu hình thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Với "cái đầu trọc lóc", "răng cạo trắng hớn" đi ngược với thuần phong mĩ tục, lại thêm "cái mặt rất cơng cơng", "cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ với một ông tướng cầm chùy" khiến cho mọi người không nhận ra Chí. Từ một anh canh điền khỏe mạnh, hiền lành Chí trở thành tay anh chị giang hồ, khiến mọi người e dè, xa lánh.
Chí triền miên trong những cơn say dài chưa bao giờ tỉnh táo. Hắn say không phải đơn giản vì thèm rượu mà vì hắn muốn chạy trốn số phận, bản thân, nổi đau. Hắn lại uống, uống cho quên sự đời, uống để không cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa thế giới loài người, giữa thế giới đã không cho Chí trở lại làm con người. Khi đã say mềm, hắn vát một con dao ngay lưng, "vừa đi vừa chửi". "Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi". "Hắn chửi đời", "chửi cả làng Vũ Đại", "chửi luôn cả cha đứa nào không chửi nhau với hắn". Chí Phèo vừa đi vừa chửi đâu phải là bức tranh hí họa gây cười mà là sự vật vã của một linh hồn đau đớn, tuyệt vọng. Không phải khi không mà Chí Phèo chửi, Chí chửi vì Chí hy vọng có người đáp trả lại, có người cãi nhau với hắn, khi ấy chứng tỏ vẫn còn có người quan tâm đến hắn, hắn vẫn còn được xem là con người, hắn không bị cô lập giữa cái thế giới này. Nhưng không, hy vọng này quá hy hữu, Chí "chửi cả làng Vũ Đại" và chỉ nhận được sự im lặng đáng sợ, ai cũng nghĩ "chắc nó trừ mình ra" và khi tiếng chửi vang lên thì chỉ có "ba con chó đáp lại hắn". Chí Phèo đã hoàn toàn bị biệt lập giữa chốn ấy, Chí không còn cơ hội để sống hòa nhập với xã hội loài người này nữa, Chí buộc phải làm một con quỹ dữ của làng Vũ Đại.
YOU ARE READING
Phân tích Chí Phèo
PoetryPhân tích nhân vật Chí Phèo Quá trình tha hóa Bị cự tuyệt quyền làm người Tâm trang của Chí Phèo