Một câu chuyện đau lòng, thực sự bi thương nhất trong những truyện mình từng đọc của Tân Di Ổ nói riêng và ngôn tình Trung Quốc nói chung.
Mình cũng giống như những cô gái bình thường, khi 12,13 cũng thích mơ mộng, thích đọc những câu chuyện HE, nữ chính nhất định sống hạnh phúc bên nam chính, đọc truyện với tâm thế dù bao sóng gió họ cũng sẽ trở về bên nhau thực sự rất thoải mái. Nhưng ai rồi cũng khác, càng khác khi bắt đầu giai đoạn chập chững trước cảnh cửa trưởng thành. Mình bỏ không đọc ngôn tình một khoảng thời gian tầm 3 năm, vì những lí do khách quan như học hành, idol...
Quay lại đọc ngôn tình ở tuổi 16, mình lại chọn khởi đầu ở những tác phẩm của Tân Di Ổ, những tác phẩm rất "đời", nó xoáy sâu vào nhiều mặt của xã hội, tất nhiên không hề màu hồng, và cũng rất bi thương. Thực ra mà nói, khi đọc các tác phẩm của Tân Di Ổ, người ta không quá chú trọng vào việc nam nữ chính có thể đến bên nhau hay không mà cái tinh hoa của các tác phẩm này là những triết lí về tình yêu, cuộc sống, những sự thực đau lòng mà tác giả muốn gửi gắm vào trong các nhân vật.
Trong "Cho anh nhìn về em", Tạ Cát Niên, Vu Vũ, Hàn Thuật, Trần Khiết Khiết, Đường Nghiệp hay ngay cả những nhân vật phụ như Bình Phượng, Tạ Vọng Niên cũng đều là nạn nhân của những định kiến, những cái "đời" ấy. Mỗi người đều mang trên mình những vết sẹo đã lành, những vết thương chưa khép miệng, tuy nhìn có vẻ giống nhau, đều cùng là vết thương, nhưng lưỡi dao rạch lên nó lại không hề cùng loại.
Tạ Cát Niên là nạn nhân của định kiến cổ hủ "trọng nam khinh nữ" trong xã hội, bị chính bố mẹ đẻ đối xử tệ bạc. Quá trình trưởng thành của cô là sự tiến hoá ngược, là một con bướm với những sắc màu đẹp đẽ khép mình lại trú ẩn trong chiếc tổ kén cách biệt với thế giới bên ngoài. Nhưng không quá tiêu cực, Cát Niên vẫn mang theo những sắc màu rực rỡ khi còn là một chú bướm vào trong tổ kén. Cô tự mình ngắm nghía vẻ đẹp của chiếc tổ kén mà không cần bất cứ ai thưởng thức cùng. Mình thực sự thích các nhân vật nữ của Tân Di Ổ, Cát Niên quá mạnh mẽ, chỉ có mạnh mẽ mới giúp một đứa trẻ có thể tồn tại trong những ruồng bỏ của bố mẹ, những lời nói mỉa mai của người thân, những ngày tháng tù đày khổ cực, cuộc sống mưu sinh sau này.
Chiếc tổ kén của Cát Niên có một lỗ hở duy nhất, dù rất nhỏ nhưng đủ để cô nhìn thấy tia sáng mặt trời nhỏ nhoi nhưng rực rỡ nhất trong tuổi xuân của mình, đó là Vu Vũ - tiểu hoà thượng của cô. Mình vẫn rất nhớ chi tiết Cát Niên xem chỉ tay cho Vu Vũ và so với chỉ tay của mình, hai người có đường sinh mệnh dài bằng nhau. Có lẽ khi Vu Vũ không còn trên cõi đời này, từ ấy lòng Cát Niên cũng như chết rồi, thứ còn lại chỉ còn là cái xác khô không hồn. Cho dù mai này có như thế nào, có ở bên cạnh ai, đối với mình quãng đời tươi đẹp nhất của Cát Niên sẽ mãi gói gọn bên gốc cây lựu trên 521 bậc thang của khu nghĩa trang liệt sĩ.
Vu Vũ, con của một kẻ giết người, từ nhỏ sống trong những phỉ báng, dè dặt của mọi người chỉ bởi thứ logic ngu xuẩn "con của kẻ giết người rồi cũng sẽ thành kẻ giết người". Con người đâu có khả năng lựa chọn số phận của họ, tiểu hoà thượng của Cát Niên, ngay từ khi sinh ra đã không bước ra khỏi tổ kén của mình, anh cũng chỉ có duy nhất một lỗ hổng để nhìn thấy Cát Niên. Hai người họ lớn lên bên nhau, dựa vào nhau trong những năm tháng cô độc của tuổi thơ, nhưng chưa từng bước vào tổ kén của đối phương.
BẠN ĐANG ĐỌC
Review "Cho anh nhìn về em" - Tân Di Ổ
RandomĐọc rất nhiều review truyện này rồi, nhưng không có cái nào thực sự hợp ý, nên mình chợt nảy ra suy nghĩ: tại sao không tự viết một review cho chính mình? Mình đã đọc một số truyện của Tân Di Ổ trước đây, cũng có ý định viết review rồi nhưng cứ viế...