Sáu
Tôi thấy mình tỉnh dậy giữa khu vườn mùa xuân, sâu trong lòng một mùa đông giá lạnh.
Tôi thấy cà rốt, thấy rau diếp xanh, thấy cà chua tươi lấp lánh sương đêm, thấy cả lũ thỏ có bộ răng hau háu, và tôi thấy thầy Doãn đang ở bên cạnh chỉ cho mình cách rẩy màu nước bằng bàn chải đánh răng.
Dẫu thầy đang ngồi bên cạnh, nhưng tôi chỉ có thể lờ mờ trông thấy thầy. Thầy như đang tan ra trong bể ánh sáng mùa xuân, giữa những lớp dây quần áo theo chiều gió thổi nghiêng bay, vung vãi những vệt sáng lên khắp bầu trời và mặt đất.
“Những bức tranh cũng có linh hồn, linh hồn của chúng được lấy từ linh hồn của người họa sĩ.” Thầy nói, đưa cọ phác lên lớp giấy trắng đã ngả màu vàng.
“Là sao thưa thầy?”
“Mỗi một bức tranh em vẽ ra, em đã gửi vào đó một ít linh hồn của mình, Chi Mai ạ. Em thổi hồn vào nó, em trao cho nó một sự sống.”
Tôi ngây người ra nhìn thầy, mối tình đầu tiên của mình. Chúng tôi ngồi dưới tán lá rộng của cây sung dâu, thầy mặc một cái áo len màu tối và áo sơ mi trắng bên trong, trông thầy vẫn trẻ như cái tuổi hai mươi ba của thầy. Tôi đã yêu thầy ngay từ ngày đầu tiên thầy đến dạy lớp Mĩ thuật của chúng tôi. Tôi không bao giờ nghĩ là mình vẽ đẹp, cho đến khi thầy đi xuống chỗ tôi, đứng đó nhìn một lúc lâu, và rồi thầy bảo tôi đem bức vẽ đó lên bàn giáo viên gặp thầy. Thầy hỏi vì sao lại tô mặt trời màu xanh. Tôi ấp úng nói, là vì tôi thích màu ấy, tôi vẫn thường nằm dài dưới những cây cà chua trong nhà kính sau vườn, ngước mắt lên nhìn mặt trời qua vòm lá xanh, và vì thế nên trong mắt tôi mặt trời có màu xanh ngắt lấp lánh.
Thầy nhìn bức vẽ, mỉm cười, một nụ cười ấm áp vô cùng, rồi thầy bảo tôi đem hộp màu lên đây, và thầy hướng dẫn tôi cách phối màu cho bức tranh ấy. Tôi vẫn nhớ cái khoảnh khắc thầy cầm tay tôi, tôi thấy dường như đom đóm từ đâu tới cứ bay lạo xạo mãi trong dạ dày mình.
“Sao chép lại những gì ta thấy cũng tốt, nhưng còn tốt hơn nhiều khi vẽ lại những gì ta chỉ còn thấy trong ký ức.” Thầy nói khi tôi đi xong những mảng màu cuối cùng. Tôi ngây người ra, nhìn thầy không chớp mắt.
Tôi đã yêu người đó, dịu dàng và ngây thơ như thế.
Kể từ cái hôm ấy, tôi bắt đầu lao vào vẽ như điên, cứ mỗi lần đi học về, chưa kịp buông cặp xuống tôi đã ngồi ngay vào bàn để vẽ, tôi vẽ mọi lúc mọi nơi, cả trong những giấc mơ tôi cũng thấy mình đang vẽ, tất cả chỉ để muốn trở nên hoàn hảo hơn trong mắt thầy.
Tôi luôn đến lớp Mĩ thuật sớm nhất, dọn dẹp sàn nhà và chuẩn bị giấy sẵn cho các bạn. Tôi nâng niu từng giây từng phút thầy dừng lại chỗ tôi ngồi, tập trung đi nét cọ, cố gắng thể hiện cho thầy thấy tôi đã tiến bộ nhiều như thế nào. Và mỗi chiều đến, tôi luôn là người ở lại muộn nhất, chỉ để chờ được thấy thầy ra về.
Thế rồi cuộc thi vẽ lớn nhất thành phố cũng diễn ra, tôi trở thành đại diện duy nhất của trường tham gia cuộc thi ấy. Thầy chăm sóc cho tôi từng chút, từng chút một. Chúng tôi dành thời gian sau buổi học, rồi cả những thứ bảy chủ nhật trong căn phòng A302 đầy những giá vẽ, cọ và màu nước ấy. Chưa bao giờ tôi thấy mình hạnh phúc hơn thế. Dù trong mắt thầy tôi chỉ là một cô học sinh bé nhỏ, còn thầy đã là một người trưởng thành rồi, nhưng tôi không quan tâm. Tôi vẫn cứ yêu thầy bằng cái tình yêu non nớt của một cô bé mười lăm tuổi.
Thi thoảng, thầy lại mang bánh đậu xanh tới và pha trà nóng cho tôi uống, và thầy nói chuyện rất nhiều với tôi mỗi khi nghỉ giải lao. Thầy say sưa nói về Van Gogh, về Camille Carot, Jean-Francios Millet, về hội họa ấn tượng với một niềm hào hứng đáng ghen tị.
Cuối cùng ngày thi cũng diễn ra, thật không may mắn, tôi chỉ đem được giải Ba về cho trường, nhưng thầy đã rất vui, và hôm ấy chúng tôi đã cầm chiếc bằng khen trên tay, chụp chung một bức ảnh dưới tán cây móng bò hoa tím. Bức ảnh mà tôi vẫn ôm đi ngủ cho đến tận bây giờ.
Tôi cứ mơ màng nghĩ rằng một ngày khi mình đủ lớn, nhất định sẽ trở thành bạn gái của thầy. Nhưng cái mơ ước ấy của tôi cũng sớm vụn vỡ. Chiều hôm đó, tôi cúi chào thầy ra về theo xe của bố đón. Tôi không quên tặng thầy một trái táo đỏ mà mẹ đã cất cẩn thận vào giỏ đồ ăn trưa cho tôi. Đi một quãng xa rồi, tôi ngoảnh lại, vẫn thấy một dáng người cao lớn trong chiếc áo khoác dài, với trái táo đỏ trên tay và nụ cười trên môi. Chợt gió nổi lên. Có tia sáng len lỏi trong mái tóc sáng màu của người đó, viền thành những gợn sóng xô vào nhau nghiêng ngả.
Thầy qua đời ở tuổi hai mươi ba, trong một tai nạn rơi thang máy ở chung cư hiện đại nhất nhì thành phố.
Người ta nói xác suất xảy ra tai nạn thang máy là rất ít, gần như bằng không, nhất là trong những tòa chung cư hiện đại.
Vậy mà nó đã xảy ra.
Tôi đã hy vọng. Tôi đã chờ đợi. Tôi đã cố gắng biết bao nhiêu hằng mong một ngày thầy sẽ nhận ra tôi.
Vậy mà cái ngày ấy đã trôi tuột đi về một miền rất xa.
Tôi chỉ đang thấy thầy trong giấc mơ của mình, một giấc mơ sáng rực tới chói chang mà chỉ cần mở mắt ra thôi, cái ánh sáng ấy sẽ vụt tắt ngay lập tức.
Tôi không có thiên hướng lưu trữ nỗi buồn đâu. Chỉ là, tôi đã thức dậy vào một sáng mùa đông chứ không phải mùa xuân, trong lòng một đại dương nước mắt.
BẠN ĐANG ĐỌC
Triệu Hồi
HumorGiới thiệu: Chi Mai mười sáu tuổi, là một họa sĩ vẽ truyện tranh nghiệp dư. Từ lúc mới sinh ra, cô đã được kế thừa từ người ông của mình một linh lực đặc biệt, đó là khả năng truyền sự sống cho mỗi bức tranh cô vẽ ra. Linh lực đó vốn bị phong ấn l...