Không gian nghệ thuật trong Văn học Trung đại Việt Nam
Thạc sĩ Phan Minh Thùy
Văn học trung đại là một thành tựu cực kì quan trọng trong văn học Việt Nam. Khám phá thế giới nghệ thuật này không hề là một điều đơn giản. Để trở thành một tuợng đài nghệ thuật, nó phải là kết tinh từ đỉnh cao của những thủ pháp nghệ thuật. Để làm nên thành công và chất đặc trưng của văn học trung đại, yếu tố không gian nghệ thuật là điều không thể thiếu. Không gian không đơn thuần mang ý nghĩa khách quan mà nó là không gian được quan niệm, được gán cho một ý nghĩa nhất định. Tìm hiểu về không gian nghệ thuật của văn học trung đại Việt Nam, ta sẽ càng hiểu hơn về cha ông của mình.
Trong thi pháp học hiện đại, thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật có vai trò rất quan trọng trong việc sáng tác và phê bình tác phẩm. Hai yếu tố này đã góp phần tạo nên thế giới hình tượng sinh động và phong phú. Nó không chỉ thể hiện thế giới vào tác phẩm mà còn biểu đạt những cảm thức, những quan niệm của người viết.
Không gian nghệ thuật, cũng như thời gian nghệ thuật, là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Không gian nghệ thuật trong một văn bản văn học không đơn giản là xác định nơi chốn hay tái hiện những khung cảnh hiện thực mà nó được xây dựng như một kí hiệu đặc biệt để thể hiện tâm trạng của nhân vật hay bộc lộ quan điểm của thi sĩ về thế giới.
Không gian trong tác phẩm văn học có sự phân biệt hẳn so với không gian khách quan. Không gian này chứa đựng một giá trị tình cảm, do thế nó được tổ chức theo quan niệm riêng của tác giả, hoàn toàn không giống với trật tự của không gian bên ngoài. Đối với người trung đại, không gian có một giá trị riêng biệt gắn liền với cảm thức của họ. Trước hết đời sống lệ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp đã tạo nên một sự gắn bó mật thiết giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ. Mặt khác, chủ trương vô vi, sống hoà vào thiên nhiên của Lão Trang đã gieo vào tâm thức người trung đại một ý thức rất coi trọng không gian thiên nhiên. Thiên nhiên vừa rất huyền bí lại vừa rất gần gũi với con người. Do vậy, điều dễ thấy nhất trong thơ ca trung đại là sự xuất hiện rất thường xuyên của không gian vũ trụ, không gian thiên nhiên. Hầu như trong tác phẩm của các nhà thơ lớn, thiên nhiên và không gian bao la khoáng đạt của nó có một vị trí hết sức quan trọng.
Đặc biệt, trong thơ Thiền, hình ảnh không gian luôn luôn xuất hiện với vẻ bao la nhưng trong trẻo và lặng lẽ đến lạ thường:
Ngàn sông có nước ngàn sông nguyệt
Vạn dặm không mây vạn dặm trời
(Trần Thái Tông)
hay: Ngủ dậy ngỏ song mây
Xuân về vẫn chửa hay
Ngoài song đôi bướm trắng
Phấp phới sấn hoa bay
(Trần Nhân Tông)