CHƯƠNG 25 : TÔI MUỐN CÙNG EM PHÍ HOÀI THỜI GIAN

132 6 0
                                    

  Gần đây tôi đọc được một bài thơ do nhà thơ Lý Nguyên Thắng người Tứ Xuyên viết, tên là "Tôi muốn cùng em phí hoài thời gian". Những câu này đã khiến tôi cảm động:

"Tôi muốn cùng em hoang phí.
Cùng em phí hoài sự trầm mặc ngắn ngủi và trưởng thành vô nghĩa.
Cùng em mài mòn vũ trụ đẹp đẽ nhưng già cỗi này.
Ví như tựa vào lan can và cúi đầu ngắm nhìn mặt nước như gương
Mãi đến khi mọi thứ đều bị phí hoài.
Và sau lưng chúng ta, mọc ra một đôi cánh mỏng manh."

Dường như có một khoảng thời gian rất dài, tôi không có nổi thời gian rỗi để nghiêm túc ngắm nhìn mọi thứ chung quanh và cảm nhận cuộc sống. Không có thời gian nằm trên ban công chỉ để ở cùng ve sầu, ánh mặt trời cả một buổi chiều nữa. Nếu có thể, tôi thật muốn được như những gì trong thơ viết: "mài mòn vũ trụ đẹp đẽ nhưng già cỗi", "mãi đến khi mọi thứ đều bị phí hoài" và "mọc ra một đôi cánh mỏng manh."

Chuyện tôi muốn làm nhất bây giờ là đi du lịch

Nếu hỏi rằng chuyện tôi muốn làm nhất bây giờ là gì thì e rằng đó chính là đi du lịch.

Hồi bé được nghỉ bảy ngày dịp quốc tế lao động, gia đình tôi sẽ lái xe ra ngoại ô Trùng Khánh dạo chơi, Quốc khánh cũng sẽ đi đâu đó. Nhà tôi đông người, thường ba bốn chiếc cùng nhau đi. Mọi người cùng vui đùa, còn đám trẻ nít chúng tôi thì dắt nhau leo khắp quả núi, lúc nào cũng hứng khởi khi đến và thỏa thích khi trở về.

Sau khi debut, đã lâu rồi tôi chưa đi du lịch.

Chuyện điên rồ nhất, có lẽ là hừng sáng đến Thiên An Môn xem nghi thức kéo cờ. Ngày đó tôi vừa mới tới Bắc Kinh, xong việc thì đã không còn sớm nữa, tôi bỗng muốn đạp xe tới Thiên An Môn xem kéo cờ. Nói đi là đi luôn, hôm ấy không có quá nhiều người, trong lòng có một kiểu hào hứng mà không ai có thể hiểu được. Có lẽ do đã lâu rồi không có được cảm giác tự do tự tại thế này rồi, nên cảm thấy rất vui.

Debut rồi, tôi chưa từng đi đến nơi nào chỉ để du lịch một cách thuần túy, cơ bản đều kèm theo cả nhiệm vụ công việc, thế nên luôn đến và đi rất vội vàng. Tôi muốn đi sa mạc, muốn đến Đôn Hoàng, muốn ghé châu Phi,.. tóm lại là nơi nào trên thế giới cũng rất muốn đi thăm thú. Nơi tôi muốn đến nhất là Bắc Âu, nơi này xuất hiện rất nhiều trong các bộ phim văn nghệ, phong cách lặng lẽ giản đơn song lại rất sạch sẽ và đơn thuần đó rất thu hút tôi. Tôi rất muốn ngồi trong một căn nhà gỗ trong rừng, trong nhà có trải một tấm thảm thật dày, và rồi ngắm tuyết bên song cửa.

Ngoại trừ Bắc Âu, tôi còn rất muốn đi biển.

Trước thì đi Hạ Môn, Tam Á, sau thì đi Nhật Bản, Thái Lan. Hồi quay quảng cáo ở Tam Á, đêm nào tôi cũng cùng bè bạn ngồi trên bờ biển nghe tiếng sóng vỗ và ngắm trăng vươn lên từ mặt biển, cảm thấy trong lòng rất bình yên.

Tôi còn muốn thử một số chuyện thử thách giới hạn của bản thân, ví như đi bộ du hành trên sa mạc, leo vách núi, nhảy bungee các kiểu,... đều là những chuyện tôi muốn làm. Như hồi ngồi xe từ Colmar đến Milan, khoảnh khắc trông thấy có người đang chao lượn, tôi cũng bỗng chốc rất muốn xông thẳng lên không trung.

ĐẾN NHẬT BẢN CHỤP ẢNH, GẶP ĐƯỢC MỘT CHÚ CÚN AKITA

Tháng Năm năm nay, vì chụp ảnh cho cuốn sách này mà tôi đã đi Nhật một chuyến.

Tôi đã tới vài thành phố, tỷ như Osaka, Nara, Kyoto, Shirahama, v.v.. Thành phố nào cũng đẹp và rất giống những cảnh sắc trong truyện tranh: có những con phố lề lối, có thảm cỏ xanh và những chiếc xe điện chầm chậm lướt qua. Nhà cửa đều không cao lắm, được sắp xếp trật tự song rất độc đáo xen vào nhau trong thành phố, cuối đường có áng mây và bầu trời thanh sạch,... Nói chung là toát lên một cảm giác rất êm đềm và thư thái. Hồi trước tôi từng xem một bộ phim phóng sự, đầu phim có nói: trên một con đường ở Kyoto có một tấm biển ghi "Vũ kỳ tinh hảo" (dù trời mưa hay trời trong thì cũng đều tươi đẹp). Đây là một câu tục ngữ ở Nhật nhưng lại có xuất xứ từ một câu thơ của thi nhân Tô Thức của Trung Quốc: "Thủy quang liễm diễm tình phương hảo, sơn sắc không mông vũ diệc kỳ" (Dưới nắng long lanh màu nước biếc, trong mưa huyền ảo vẻ non tươi - bản dịch của Nam Trân). Lúc đến Kyoto, tôi rất muốn tìm kiếm tấm biển này, tiếc là không tìm được. Nhật Bản mang lại cảm giác tồn tại song song giữa văn hóa cổ điển và văn hóa hiện đại, cảm giác truyền đạt sự dung hợp của hai luồng văn hóa này rất kỳ diệu.

Lúc ở Nara, tôi trùng hợp tham dự dịp lễ Kodomo No Hi vào mùng 5 tháng 5. Đây là ngày lễ dành cho những gia đình có bé trai, họ sẽ treo cờ cá chép trong nhà. Hình như gắn liền với một truyền thuyết, khoảng trong thời kỳ Edo, câu chuyện "Cá chép vượt long môn" của Trung Quốc truyền đến Nhật Bản, rằng là vào tầm tháng ba tháng bốn, cá chép sẽ tụ tập tại cửa sông Hoàng Hà, nếu có thể vượt thác thì sẽ biến thành rồng, từ đó, Nhật Bản xem cá chép là biểu tượng của sự may mắn. Cờ cá chép của họ rất đẹp, dưới bầu trời xanh trong trông rất thanh sạch và hài hòa. Tôi nghe nói vào ngày lễ này có một nguyên tắc: "tôn trọng nhân cách và mưu cầu hạnh phúc của con trẻ, đồng thời cảm ơn bố mẹ." Tôi cảm thấy câu nói này ý nghĩa nhất ở chỗ: không đặt nặng những thứ như tiền đồ và sự nổi bật, mà chú trọng vào hạnh phúc và nhân cách độc lập của trẻ nhỏ, bên cạnh đó cũng không quên cảm ơn bố mẹ.

Lúc chụp ảnh trên núi Wakayama ở Nara, tôi gặp nai con. Có chú nai rất nghịch ngợm, hay cắn góc áo của du khách, thấy trong tay bạn có thức ăn là mãi bám theo cho đến khi ăn hết mới thôi. Chú nai mà tôi gặp vừa ngoan vừa dịu dàng, rất vui lòng để người khác vuốt ve. Chú ấy có đôi mắt to, ươn ướt, như biết nói vậy.

Trong lúc chụp ảnh, tôi còn gặp được một chú cún Akita, nó tròn lẳn, chạy quanh chúng tôi, rất đáng yêu. Thế nên tôi đã hỏi chủ nhân của nó xem có thể để nó cùng chơi với chúng tôi không. Hôm đó thời tiết ở Nara rất đẹp, nhiệt độ cũng vừa phải, mây trắng bỗng bềnh trôi trên bầu trời xanh thẳm.

Nếu có thể, tôi vẫn muốn quay trở lại Nara vuốt ve đầu nai nhỏ, sau đó chẳng làm gì cả mà chỉ ngồi cả ngày trên đỉnh núi Wakayama.  

[VTRANS]【TIME DIFFERENCE】Vương Tuấn Khải - Sự Khác Biệt Của Tuổi 19Where stories live. Discover now