1. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê mà đa phần là những cánh đồng thẳng cánh cò bay, nơi mà người ta chỉ thấy trâu bò nhiều hơn xe đạp xe máy. Ngày tôi sinh ra nghe bảo ông nội tổ chức ăn mừng to lắm mặc dù vẫn còn là thời bao cấp tem phiếu. Ngày sinh được tôi mẹ đã khóc hết nước mắt vì mừng, vì cuối cùng sau bao tháng năm chùa chiền cầu tự cũng đẻ được thằng con trai tránh được cái nhìn đầy ác cảm của bà nội vì "không biết đẻ". Tôi đã trở thành cháu đích tôn của cái dòng họ lớn nhất nhì cái làng này trong niềm vui không kể xiết của ông bà nội của sự kỳ vọng vô bờ bến của bố mẹ.
Đẻ được tôi bố mẹ tôi lao vào phấn đấu trong công việc để mong sau này tương lai tôi tươi sáng hơn, để tôi có điều kiện học tập làm rạng ranh cho dòng họ hơn. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của bố mẹ tôi trong công việc đã được đền đáp. Nhà tôi đã chuyển ra tỉnh sinh sống từ khi tôi lên 5. Các năm cấp 1,2 tôi được học ở trên tỉnh rồi năm cấp 3 cả nhà chuyển ra hà nội với một ngôi nhà 3 tầng rộng gần 100m2 đầy đủ tiện nghi. Phòng tôi được trang bị đầy đủ từ máy tính, dàn đĩa, điều hòa chỉ có tivi là bị cắt vì sợ tôi không tập trung học hành.
Nhìn vào cuộc sống của tôi mọi người bên ngòai thường coi tôi như một anh chàng công tử bột sống trong nhung lụa và được chiều chuộng hết mực, muốn gì là được, cần gì là có, yêu sách gì cũng đáp ứng. Nhưng không phải vậy, tôi có một cách giáo dục khác hẳn so với đám trẻ em cùng xóm khác. Đó là sự giáo dục trong roi vọt của người bố gia trưởng nóng tính và chắc là chẳng bao giờ có chuyện tâm sự nói chuyện với con. Đó là sự yêu thương chiều chuộng ngấm ngầm từ một người mẹ thương con nhưng cũng rất sợ chồng.
Bố tôi có một nguyên tắc trong dạy bảo khá là cứng rắn mắng, chửi và đánh lúc nào cũng là như thế. Điểm kém: ăn đòn, Đi học la cà: ăn đòn, Về muộn: ăn đòn, Chơi điện tử: cũng ăn đòn nốt và hàng trăm lí do trời ơi khác để tôi chịu roi vọt không thương tiếc. Bố tôi sẵn sàng lột hết quần áo tôi để vừa đuổi vừa đánh từ đầu xóm đến cuối xóm, có thể bỏ ra cả tiếng để xỉ vả không tiếc lời mặc dù những lúc như thế tôi nghĩ chỉ cần ngồi lại phân tích phải trái có thể tôi sẽ hiểu.
Với kiểu dạy bảo như thế tôi làm mọi việc đều khá là chống đối, học thật tốt chỉ vì sợ ăn đòn, chỉ ru rú trong nhà cũng chỉ vì sợ ăn đòn, tôi cũng ít dám nói chuyện với bố vì sợ nói cái gì không phải là hậu quả sẽ thê thảm.
Mọi việc cứ như thế cho đến khi tôi đỗ đại học, ngày đấy được phép thi 3 trường của cùng một khối cũng được nhưng tôi chỉ đăng kí thi hai trường và đỗ cả hai. Nói thật đỗ đại học mà tôi chỉ nhìn phản ứng của bố tôi xem bố tôi vui hay buồn. Và khi bố tôi phấn khởi thông báo là tôi đỗ và tỏ ra cực kỳ hãnh diện thì tôi thở phào nhẹ nhõm cứ như sự phấn khởi của bố tôi mới là ngôi trường tôi thi vào.
Có lẽ sự phấn khởi ấy đã làm bố tôi thả lỏng tôi hơn, tôi được tự do hơn thoải mái hơn so với cái chế độ kèm cặp trước đây. Tôi như được thả vào một thế giới khác, đầy háo hức khám phá, muốn được thóa chỉ tung vầy. Học ở đại học không có chế độ họp phụ huynh, không có thời khóa biểu được gửi đến bố mẹ, không có điện thoại cho thầy cô chủ nhiệm được vì trường tôi thầy(cô) chủ nhiệm một lúc đến cả đống lớp và cả năm có khi chẳng gặp bao giờ. Và nói thật đến giờ này tôi cũng chẳng biết ai là chủ nhiệm lớp đại học của mình chứ nói gì đến bố tôi.