Nhớ khi xưa, nhà thơ Tố Hữu đã từng tha thiết:
"Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa"
(Bác ơi)
Đến nay, cảm xúc đau đớn, xót xa khi nghe tin Bác đã ra đi vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí mỗi người con của dân tộc Việt Nam. Sự ra đi của Hồ Chí Minh-Bác Hồ là một mất mát to lớn không chỉ riêng phương diện chính trị, mà còn cả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật đối với nhân loại nói chung và đồng bào Việt Nam nói riêng. Sự nghiệp văn học của Người rất phong phú, đa dạng về thể loại, đặc sắc và độc đáo về phong cách nghệ thuật. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Bác là bài thơ "Chiều tối"(Mộ). Thi phẩm thể hiện tình yêu thiên nhiên yêu cuộc sống, ý chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt cùng sự lạc quan, ung dung của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là vẻ đẹp tâm hồn của Bác:
Phiên âm:
"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không,
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng."
Dịch thơ:
"Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không,
Cô em thiếu nữ xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng."
"Chiều tối" được trích trong tập thơ "Nhật kí trong tù". Tập thơ này được sáng tác khi Bác bị bắt giam vô cớ dưới chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Quảng Tây, Trung Quốc. "Nhật kí trong tù" không chỉ tái hiện chân thực bộ mặt tàn bạo của xã hội Trung Quốc, mà còn ghi lại cảm xúc, suy nghĩ của tác giả. Đồng thời tập thơ còn phản ánh tâm hồn cùng nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh. Bài thơ "Chiều tối" (Mộ) được ra đời khi Bác Hồ trên đường chuyển lao từ Tĩnh Tây sang Thiên Bảo.Mở đầu bài thơ là tâm trạng mệt mỏi cùng tâm hồn yêu thiên nhiên, ung dung tự tại khi Bác phải lê từng bước đi chuyển lao:
"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không."
("Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.")
Nhà thơ sử dụng thi pháp của thơ Đường, bút pháp chấm phá vài nét "quyện điểu, cô vân, thiên không" (cánh chim, chòm mây, bầu trời) nhằm khắc họa thần thái của cảnh vật để nói lên tâm sự của con người. Tác giả còn sử dụng những hình ảnh đó để phác họa cái hồn của cảnh chiều rừng núi. Trong "Truyện Kiều", khi miêu tả cảnh chiều, Nguyễn Du đã điểm vào bức tranh hình ảnh cánh chim bay về rừng: "Chim hôm thoi thót về rừng". Trong thơ Huy Cận lại cảm thấy bóng chiều như đang sà xuống: "Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa"(Tràng giang). Dường như trong cảm nhận của các thi nhân xưa, khi miêu tả cảnh chiều mà không có hình ảnh cánh chim thì bóng chiều chưa rõ. Trong thơ cổ, cánh chim thường bay về chốn vô định, vô tận gợi cảm giác xa xăm, chia lìa; còn trong thơ của Bác, cánh chim lại xác định rõ phương hướng "quy lâm tầm túc thụ" (về rừng tìm chốn ngủ). Đó chính là nét sáng tạo của nhân vật trữ tình cách mạng Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nhà thơ lại nhìn cánh chim bay mà thấy được "quyện điểu", thấy được sự mỏi mệt trong dáng bay của cánh chim. Đây chính là tình cảm nhân đạo của Hồ Chí Minh, đồng thời hình ảnh "chim mỏi" cũng là tâm trạng mệt mỏi của Bác khi phải lê từng bước chân đi chuyển lao. Đúng như Tố Hữu từng viết qua bài thơ "Bác ơi":
"Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người."
Qua đó, ta còn cảm nhận được sự đồng cảm của nhà thơ đối với cánh chim ấy và khát khao được sống tự do. Phần dịch thơ ở câu thơ thứ nhất dịch rất sát nghĩa, làm độc giả dễ cảm nhận được ý thơ. Tuy nhiên, đến với câu thơ thứ hai "Cô vân mạn mạn độ thiên không", phần dịch thơ chưa rõ ý. Dịch thơ nghe thanh thoát hơn qua hình ảnh "chòm mây trôi nhẹ" nhưng lại không diễn tả được sự hiu quạnh của cảnh vật "cô vân mạn mạn". Hình ảnh "cô vân" nhằm khắc họa đám mây lẻ loi. Từ láy "mạn mạn" phác họa hình ảnh đám mây trôi chầm chậm. Hình ảnh "cô vân mạn mạn" gợi cảm giác bình thản, tự do nhưng cô độc, lẻ bóng cũng như thân phận cô đơn của Bác nơi đất khách Trung Hoa. Phải là tâm hồn yêu thiên nhiên đạt tới cảnh giới nào mà người chiến sĩ vẫn ung dung, tự tại, thưởng thức cảnh đẹp trong khi bản thân đang trên đường chuyển lao gian khổ? Qua đó, ta có thể thấy được chất thép phi thường của Bác muốn vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt. Bút pháp lấy điểm tả diện được Hồ Chí Minh sử dụng thật đặc sắc, lấy sự nhỏ bé của cánh chim, sự lẻ loi của mây tạo nên không gian rộng lớn của bầu trời. Nhà thơ sử dụng độc đáo bút pháp lấy động tả tĩnh, lấy nhịp bay của cánh chim, sự chuyển động của chòm mây gợi lên sự tĩnh lặng của bức tranh chiều rừng núi hoang sơ. Phép đối lập giữa "quyện điểu quy lâm tầm túc thụ" và "cô vân mạn mạn độ thiên không" càng nhấn mạnh vẻ đẹp tĩnh lặng, mênh mông của trời chiều. Qua hai câu thơ đầu, bức tranh thiên nhiên mang nét buồn vắng khắc họa tâm hồn yêu thiên nhiên và niềm khao khát sống tự do của tác giả. Hai câu thơ đầu rất giống với thơ Lý Bạch:
"Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn."
(Độc tọa Kính Đình sơn)Nối tiếp tâm hồn yêu thiên nhiên của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh là tâm hồn yêu con người, yêu cuộc sống khi Người khi chuyển lao:
"Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng."
("Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.")
Ở hai câu thơ đầu, tác giả đưa điểm nhìn ra xa để cảm nhận thiên nhiên rừng núi. Thì với hai câu thơ sau, Người đã thu hẹp tầm nhìn lại để cảm nhận cuộc sống của con người lao động. Giữa bức tranh thiên nhiên hoang vắng đến cô đơn , hình ảnh cô "thiếu nữ" hiện lên như một điểm sáng làm ấm cả bức tranh chiều lạnh lẽo. Hình ảnh "sơn thôn" biểu trưng cho cuộc sống bình yên của con người. Phần dịch thơ "Cô em xóm núi" so với phiên âm "Sơn thôn thiếu nữ" về mặt nghĩa là không sai. Nhưng câu dịch thơ không thể hiện được cái nhìn đầy trân trọng của nhân vật trữ tình với con người; giọng điệu trang trọng của nguyên tác không hiện diện trong lời dịch thơ. Điều đáng lưu ý là hình tượng cô "thôn nữ" trong thơ Bác khác xa với hình tượng người thiếu nữ trong thơ xưa. Phần lớn người phụ nữ cổ thi đều mang nỗi buồn vì sinh ly tử biệt hay lận đận tình duyên:
"Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thính thúy lâu."
(Khuê oán ngâm khúc_Vương Xương Linh)
Nhưng trong thơ Bác, cô "thôn nữ" lại ngày ngày lao động vất vả, đây chính là sự sáng tạo của Hồ Chí Minh. Phép điệp liên hoàn "ma bao túc - bao túc ma" nhằm nhấn mạnh sự miệt mài lao động của "sơn thôn thiếu nữ". Cũng giống như số phận người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh phải liên tục đi đường chịu khổ. Đồng thời, phép điệp liên hoàn còn gợi được dòng lưu chuyển thời gian từ chiều sang tối. Nhà văn Nam Cao từng bình luận: "Khi con người đau chân, người ta không còn tâm trí đâu để nghĩ đến người khác". Thế nhưng, Bác Hồ lại luôn quan tâm đến cuộc sống con người dù là những điều nhỏ nhặt nhất, bình dị nhất. Bác yêu con người mà không phân biệt dân tộc quốc gia. Đây chính là vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình cách mạng Hồ Chí Minh - tâm hồn yêu con người, yêu cuộc sống. Đúng như lá cờ đầu của thi ca cách mạng - Tố Hữu đã từng tha thiết:
"Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già."
(Bác ơi)
Hình ảnh "lô dĩ hồng" khắc họa ngọn lửa lao động tỏa sáng lên trang thơ. Chữ "hồng" được xem là nhãn tự của bài thơ, soi rõ vẻ đẹp của thiếu nữ, tỏa ánh sáng và hơi ấm xua đi cái buồn vắng của bức tranh chiều tối nơi "sơn thôn". Ánh hồng ấy không chỉ tỏa ra từ ngọn lửa của bức tranh mà còn được tỏa ra từ tâm hồn nhân ái, tinh thần lạc quan của Hồ Chí Minh. Đồng thời, chữ "hồng" còn là ánh sáng, nó soi sáng con đường cách mạng của Bác Hồ đến vinh quang. Hai câu thơ sau đặc tả rõ nét tâm hồn yêu con người, yêu cuộc sống của người nhân vật trữ tình Hồ Chí Minh.Bằng bút pháp chấm phá vài nét, lấy động tả tĩnh, lấy điểm tả diện cùng phép đối lập, phép điệp liên hoàn và hàng loạt hình ảnh độc đáo, đặc sắc, thi sĩ đã phác họa được bức tranh thiên nhiên hoang vắng cùng bức tranh cuộc sống lao động vất vả của con người nơi "sơn thôn". Đồng thời, bài thơ còn khắc họa tinh tế tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống của Bác Hồ. Đan xen với những vẻ đẹp tâm hồn ấy là phong thái ung dung, tự tại, thái độ lạc quan, yêu đời và nghị lực vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt, tối tăm của Hồ Chí Minh.
Thi phẩm "Chiều tối" là bài thơ tiêu biểu cho vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng, lao tâm lao lực vì đất nước Việt Nam dù trong cảnh tù đày chuyển lao nơi đất khách Trung Hoa. Đọc thơ, ta càng hiểu, càng yêu vị lãnh tụ vĩ đại của đồng bào Việt Nam Hồ Chí Minh - một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn và một trái tim lớn:
"Lại thương nỗi: đọa đày thân Bác
Mười bốn trăng tê tái gông cùm
Ôi chân yếu, mắt mờ, tóc bạc
Mà thơ bay... cánh hạc ung dung."
(Theo chân Bác_Tố Hữu)
BẠN ĐANG ĐỌC
Phân Tích Vẻ Đẹp Tâm Hồn Của Người Chiến Sĩ Cách Mạng Qua Bài Thơ "Chiều Tối"
PoetryĐây là bài văn phân tích theo lối diễn đạt Tổng_Phân_Hợp. Mọi người có thể tham khảo nhé!! Nếu có sai sót thì hãy đóng góp ý kiến để tớ sửa và rút kinh nghiệm nha!! Thân ái💕