Thực hành lòng bi mẫn
Cho đến lúc này, chúng ta đã bàn qua về những phương pháp mới để tiếp cận với đời sống và những mối quan hệ với người khác. Để những phương pháp này trở nên có giá trị, chúng nhất thiết phải được vận dụng vào cuộc sống hằng ngày. Quyển sách này không viết ra nhằm cung cấp thêm tri thức, mà chỉ để chia sẻ những ý tưởng có thể là hữu ích trong việc giúp cho đời sống của chúng ta được phong phú hơn.
Như đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn thường nói, nhân tố chính yếu của một đời sống hạnh phúc và một xã hội hòa hợp chính là lòng bi mẫn. Lòng bi mẫn, điểm tinh yếu trong giáo pháp Phật-đà, cũng luôn được khuyến khích bởi tất cả các tôn giáo trên thế giới.
Lòng bi mẫn là sự truyền thông trung thực và trực tiếp với người khác. Đó là khả năng cảm thông với người khác và đưa ra sự giúp đỡ hoàn toàn tự nhiên như cứu giúp chính bản thân mình. Vì ranh giới phân biệt giữa "ta" và "người khác" được thu hẹp, nên lòng bi mẫn thấm đẫm tính khiêm hạ. Vì mong muốn cho người khác được thoát khổ là một tâm nguyện rất mạnh mẽ nên lòng bi mẫn cũng mang tính kiên cường, quả cảm.
Đức Đạt-lai Lạt-ma là một minh họa cho những phẩm tính này. Trong một kỳ hội thảo với các nhà tâm lý học và nhiều chuyên gia tư vấn xã hội khác, ngài đã làm cho mọi người phải ngạc nhiên bởi tính khiêm hạ của ngài. Thỉnh thoảng, ngài đáp lại những câu hỏi khó rằng: "Tôi không biết điều này. Thế quý vị nghĩ sao?" Trong một thế giới mà những người nổi tiếng thường cố tỏ ra mình là người am hiểu, sự tôn trọng ý kiến người khác của đức Đạt-lai Lạt-ma cũng như sẵn sàng học hỏi từ họ quả là một khác biệt chói sáng.
Tương tự, cuộc đời ngài là một tấm gương bi mẫn kiên cường... Ngài thường khuyên bảo những người Tây Tạng: "Đừng giận dữ với những ai gây tổn hại cho đất nước mình. Họ cũng là những con người khát khao hạnh phúc giống như chúng ta. Việc phản đối họ bằng bạo lực không làm cho tình thế tốt hơn."
Đức Đạt-lai Lạt-ma luôn trải lòng bi mẫn đến những người đang chiếm cứ Tây Tạng, nhưng cũng đồng thời nỗ lực kiên cường để cứu vãn cảnh ngộ của dân tộc mình. Ngài luôn tích cực tìm kiếm một giải pháp hòa bình sao cho có thể làm thỏa mãn cả người Trung quốc lẫn người Tây Tạng. Và như thế, chúng ta thấy trong cuộc đời của ngài là cả một sự kết hợp hài hòa giữa lòng bi mẫn, tính khiêm hạ và sự kiên cường.
Chúng ta có thể vận dụng gương sáng của đức Đạt-lai Lạt-ma vào cuộc sống của chính mình. Mỗi một tình huống ta gặp phải trong cuộc sống là một cơ hội để ta thực hành lòng bi mẫn. Ta sẽ bắt đầu từ những người quanh ta - gia đình và bè bạn, đồng nghiệp, bạn học, những người ta tiếp xúc trong công việc hay gặp gỡ trong cửa hàng, trên đường phố... - rồi mở rộng sự quan tâm chăm sóc của mình đến với tất cả.
Khi có ai đó vượt đường xe ta trên xa lộ một cách nguy hiểm, thay vì giận dữ chửi rủa, ta có thể đặt mình vào vị trí của người ấy. Đôi khi chính ta cũng là người lái xe bất cẩn, thường là vì ta bận lo nghĩ điều gì đó quan trọng. Người tài xế kia cũng vậy. Ta luôn muốn được người khác bỏ qua cho những lỗi lầm của minh, vì thế ta cũng nên tha thứ cho những lỗi lầm của người khác.
YOU ARE READING
RỘNG MỞ TÂM HÒN VÀ PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ
SpiritualHơn hai ngàn năm trăm năm qua, những lời dạy của Đức Phật đã an ủi và xoa dịu [đau thương] cho vô số người. Trải suốt thời gian đó, ảnh hưởng của đạo Phật chủ yếu được nhận biết ở các quốc gia châu Á, dù rằng trong khoảng vài thập niên gần đây đạo P...