Lời tác giả: Trước khi cầm bút viết về Bác Hồ, tôi xin nói đôi chút về mình và vì sao mà tôi viết: Sinh ra trong một gia đình có nghiệp nho gia nhưng bố tôi mất sớm. Năm ấy mẹ mới 24 tuổi, tôi lên 4. Mẹ ở vậy nuôi tôi và em trai (ra đời sau cha mất 16 ngày). Hôm nay tôi đã là người “cổ lai hy” và mẹ tôi tròn 90 tuổi…
Chi họ nhà tôi có thể coi là chi có truyền thống học hành. Định cư ở Thanh Khê (Thanh Chương, Nghệ An) từ nửa cuối thời Hậu Lê, đến triều Nguyễn mới chỉ có vài chục gia đình nhưng đã có 5 ông cử nhân, khá nhiều tú tài… Trước đó, có cụ không qua thi cử vẫn được vua mời ra làm quan đến hàng tứ phẩm hoặc được phong tước Hầu…
Ngày bé tôi ốm yếu, chỉ thích luẩn quẩn nghe mọi người nói chuyện đông tây, kim cổ. Đặc biệt là nghe chú Hồ Sĩ Thanh và bác Hồ Sĩ Huề ngồi dịch gia phả của cụ Hồ Sĩ Tạo soạn bằng chữ Hán ra Quốc ngữ, trò chuyện với nhau. Đầu óc non nớt của tôi không hiểu nhưng tôi nhớ như in. Sau này tôi mới nghiệm ra, nói: “Thủy đáo từ đường, Hồ gia vi vương” hay “Bò đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh” là nói chuyện gì. Chuyện cha con ông Phó bảng qua thăm cụ Phủ là nói về những ai… Biết tôi hay hóng chuyện, mẹ dặn: “Nghe là nghe vậy thôi. Biết đâu để đấy kẻo vạ vào thân con nhé!” (Mẹ tôi người họ Phan, một dòng họ khoa bảng ở xã Võ Liệt). Lời mẹ dặn tôi nhớ không quên.
Đến nay, ở cái tuổi “xưa nay hiếm” tôi thấy khó mà giữ được như lời mẹ. Tôi muốn thổ lộ những gì nghe được, biết được, thấy được, đọc được… với mọi người để cùng suy ngẫm về sự đúng sai. Vậy là tôi cầm bút.
*
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh năm 1891 ở làng Chùa, tên chữ là Hoàng Trù. Đó là một làng quê thuần phác Việt Nam. Nhà thờ họ Hoàng ở Hoàng Trù còn lưu đôi câu đối:
Hoàng Vân chính khí truyền thiên cổ
Chung Tự hùng thanh chấn ức niên
Có nghĩa là: Chính khí của Hoàng Trù và Vân Hội truyền từ ngàn xưa. Tiếng vang của Chung Sơn và Tự Thủy động đến ức năm (Hoàng Trù và Vân Hội là 2 làng có đông con cháu họ Hoàng sinh sống. Chung Sơn là ngọn núi có 3 đỉnh, Tự Thủy là đầm nước cạnh làng). Nói về Chung Sơn, danh sĩ Nguyễn Thiếp có câu:
Chung Sơn tam đỉnh hình vương tự
Kế thế anh hùng vượng tử tôn
Vậy có thể nói rằng Hoàng Trù là đất thiêng, là “địa linh” ắt sẽ sinh “nhân kiệt”.
Ông Hoàng Đường là một tú tài, song gia đình vẫn gắn chặt với ruộng đồng. Làng Hoàng Trù xưa êm đềm và tĩnh lặng. Sau lũy tre, lũ trẻ theo đòi nghiệp bút nghiên cất giọng ê a. Đường làng quanh co với những bờ tre rì rào gió thổi, những lối nhỏ hai bên mềm mượt cỏ xanh, ngoằn ngoèo bò ra cánh đồng… Những thửa ruộng sâu đầy ắp nước, lúa tốt bời bời, rền rĩ tiếng ếch nhái. Từng đàn cá rô, cá diếc lượn lờ, thỉnh thoảng lại bắt gặp một đầu cá quả nhô lên, đen trĩu, lặng lẽ giương mắt nhìn. Ngày ấy cậu bé Công lăn lê, bò toài bên vệ cỏ, rình chộp những chú cào cào để anh trai và các bạn câu cá rô ron. Tiếng cười reo như pháo ran khi cánh diều ai đó vút bay hay một chú cá được giật lên. Có một lần chú cá tuột xuống, lưỡi câu nhọn sắc của anh Phương móc vào tai bé Công. Lưỡi câu có ngạnh, cả tốp mầy mò mãi mới gỡ được, máu chảy tóe loe khiến bọn nhỏ sợ xanh mang. Anh Khơm vò nát nắm lá phân xanh đắp vào tai cho cầm máu và dỗ em nín lặng kẻo bố mẹ mắng…
