CHIẾN DỊCH SƯ TỬ BIỂN: ANH CHỐNG CỰ ĐỨC

3 0 0
                                    


NGÀY 30 tháng 6 năm 1940, Jodl ghi: "Chiến thắng dứt điểm của Đức đối với Anh bây giờ chỉ là vấn đề thời gian. Địch không thể nào mở cuộc phản công trên diện rộng."

Nhà chiến lược được Hitler yêu mến đang trong tâm trạng tự tin và mãn nguyện. Pháp đầu hàng vào tuần trước, để lại Anh trong tình thế lẻ loi và dường như vô vọng. Ngày 15 tháng 6, Hitler thông báo với tướng lĩnh là mình muốn giải trừ một phần lực lượng từ 160 xuống còn 120 sư đoàn. Halder ghi vào nhật ký ngày hôm ấy:

"Tiền đề của việc này là Lục quân đã hoàn tất nhiệm vụ. Không quân và Hải quân sẽ nhận sứ mệnh tiến hành chiến tranh chống Anh."

Đúng ra, Lục quân không mấy quan tâm đến việc này. Cả Lãnh tụ cũng không màng. Cho đến ngày 17 tháng 6, Đại tá Walter Warlimont, phụ tá của Jodl, thông báo cho Hải quân biết rằng:

"về việc đổ bộ lên nước Anh, Lãnh tụ... vẫn chưa cho biết ý định ra sao... Vì thế, ngay cả lúc này, Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực vẫn chưa có chuẩn bị gì cả."

4 ngày sau, vào lúc Hitler đang đi đến Compiègne để làm nhục người Pháp trong toa xe đình chiến, Hải quân được thông báo rằng:

"Bộ Tư lệnh Lục quân không có liên can đến vấn đề nước Anh. Hãy xem việc thực hiện là không khả thi... Không biết phải tiến hành chiến dịch như thế nào từ miền Nam... Bộ Tư lệnh bác bỏ ý tưởng của chiến dịch."

Những bộ óc tham mưu tài giỏi nhất của cả ba quân chủng Đức không biết phải tấn công Anh quốc như thế nào, dù theo lẽ tự nhiên là Hải quân sẽ đóng vai trò nòng cốt. Ngược về ngày 15 tháng 11 năm 1939, Raeder ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Hải quân xem xét:

"khả năng xâm chiếm Anh, một khả năng khởi phát nếu hình thành một số điều kiện trong tiến trình của cuộc chiến."

Đó là lần đầu tiên trong lịch sử mà giới quân sự Đức được yêu cầu xem xét hành động như thế. Có lẽ là Raeder hạ lệnh này nhằm dự phòng vị Lãnh tụ bốc đồng bất thình lình ra chỉ thị, thì ông dễ đối phó hơn. Không có tài liệu nào cho thấy Hitler đã được tham khảo hoặc biết gì về việc này. Đầu óc ông ta lúc đó chỉ nghĩ đến việc chiếm lấy những căn cứ không quân và hải quân ở Hà Lan, Bỉ và Pháp để bao vây nước Anh.

Tháng 12 năm 1939, hai Bộ Tư lệnh Lục quân và Không quân được chỉ thị xem xét vấn đề tiến công Anh. 3 quân chủng trao đổi với nhau một số ý kiến mông lung, nhưng không thể đi xa hơn. Tháng 1 năm 1940, cả Hải quân và Không quân đều bài bác kế hoạch của Lục quân, cho rằng nó thiếu thực tế. Hải quân cho rằng kế hoạch này không xét đến sức mạnh của Hải quân Anh, còn Không quân nghĩ kế hoạch đánh giá quá thấp tiềm lực của Không lực Hoàng gia Anh. Một công văn của Bộ Tư lệnh Không quân gửi cho Bộ Tư lệnh Lục quân nêu rõ:

"Để kết luận, phải bác bỏ chiến dịch kết hợp [các quân chủng] mà mục tiêu là đổ bộ lên Anh."

Sau này, như ta sẽ thấy, Tư lệnh Không quân Goering và các phụ tá của ông có quan điểm ngược lại.

Tài liệu của Đức ghi nhận lần đầu tiên Hitler đối mặt với khả năng tiến công Anh là vào ngày 21 tháng 5, một ngày sau khi các lực lượng thiết giáp tiến gần đến Dunkirk. Nguồn tin này là Raeder, người thảo luận "riêng" với Lãnh tụ về "khả năng có một cuộc đổ bộ lên đất Anh". Hải quân đã không được chia sẻ vinh quang với Lục quân và Không quân trên mặt trận phía Tây, nên điều dễ hiểu là Raeder đang tìm cách mang quân chủng của mình vào vị thế nổi bật hơn. Nhưng Hitler đang bận tâm với trận đánh bao vây ở Dunkirk và không muốn các tướng lĩnh bị phân tâm bởi những vấn đề xa vời.

SỰ TRỖI DẬY VÀ SUY TÀN CỦA ĐẾ CHẾ THỨ BA LỊCH SỬ ĐỨC QUỐC XÃWhere stories live. Discover now