3.

699 116 16
                                    

Sau nửa ngày ở lì bên nhà Hưởng, Quốc cuối cùng cũng bị bà Hai Phước đuổi khéo về nhà, trước khi về hai đứa còn xù xì với nhau một lúc rõ lâu ở trước sân, làm bác Hai đứng trong nhà mà lòng thì thấp thỏm, chân tay bồn chồn, đi ra đi vô cứ nhìn phải ngó trái, rầu lo không biết cháu trai có dại dột, tin lời ngon tiếng ngọt mà đi theo người ta luôn hay không.

Hưởng ngồi trên võng vuốt lông con chó nhỏ toàn thân một màu đen như than, bị thằng Mẫn đặt cho cái tên "Mực" xấu quắc, nghe bảo đây là lứa con thứ 2 của bạn Phèn, Hưởng nhìn bạn Phèn đã làm cha hai lần nằm một đống vàng rực trong góc nhà, lại nhìn cái đuôi đen thui vẫy vẫy trong lòng bàn tay mình, cậu thở dài, không khỏi nghi ngờ sự chung thủy của bạn đời chú Phèn một phen.

Hưởng đưa mắt vòng quanh nhà một lượt, rồi ánh mắt cậu dừng lại trên rỗ trái cây để trên bàn, Hưởng bước tới gần, nhìn kỹ mới phát giác, mấy trái mềm mềm thơm thơm nửa hồng nửa vàng kia, hình dạng coi ra rất giống trái hồng đào.

- Trái gì ngộ vậy?

Hưởng hỏi, thằng Mẫn đang dọn đồ gì đó trong buồng, nó trả lời.

- Đào bốn mùa, mỗi mùa ra trái một màu, tác phẩm trồng trọt của thằng Quốc lúc anh đi học đó.

Nói rồi thằng Mẫn từ trong buồng ôm ra một đống mùn mền chiếu gối cao quá đầu, quăng cái bịch xuống bộ ván giữa nhà, nó chỉ.

- Anh ngủ trong buồng đi, tui ngủ ngoài này.

Hưởng lấy một trái đào đem lại võng ngồi, cậu ngắt hai lỗ tai con chó Mực đang nằm yên dưới đất làm nó rên hư hử, Hưởng nhìn trái đào bóng lưỡng rồi khẽ cười, vừa nói chơi vừa nói thiệt.

- Chú kêu tui "anh", nghe mà cứ thấy kì kì thế nào.

Mẫn không nhìn qua Hưởng, cúi người trải cái chiếu lát lên ván, rồi gom gối bự gối nhỏ sắp lại thành một chỗ, nó nói.

- Lớn hết rồi, kêu mày-tao với anh chắc nội đánh tui nát đít. Anh cũng vậy, lo sửa đi là vừa, mai mốt cô dượng đi bán về mà anh xưng hô sai là tiêu.

Hưởng nghe xong thì tự nhiên bật cười, ừ cho qua chuyện, sau đó cả hai đều im ru, trời đêm không một cơn gió thổi mà lòng đứa nào cũng chợt thấy bồi hồi, lạnh tới thấu xương. Ai cũng biết mỗi người có một thời trẻ con vô lo vô nghĩ, chơi rồi ngủ, học rồi ăn, một quãng đời tự do bay nhảy, vui đùa như những cánh cò trắng, tuy ngắn ngủi nhưng lại đầy hoài niệm, ấp ủ tựa những quả bóng cất sâu trong hồi ức, để rồi lắm lúc vô tình bắt gặp một mùi hương quen thuộc, một giọng nói cũ kĩ, quả bóng bơm đầy kỷ niệm đó sẽ vỡ ra, cảm giác của quá khứ vốn phủ bụi lại thoáng chốc ùa về, sống động tới mức làm người ta cứ đắm say chờ mãi.

Hưởng thẩn thờ nhìn ngọn đèn dầu lập lòe trên bàn, cậu nói với Mẫn, lại nghe như nói với chính bản thân mình.

- Chuyến này đi học về, anh sẽ xin phép mở lại trường tiểu học trong xã mình đó.

Mẫn gật gù.

- Biết mà.

Nó không lấy làm ngạc nhiên, hồi chơi chung với Hưởng tới giờ, Mẫn luôn phải ngoáy lỗ tai nghe cậu kể về ước mơ lớn lao của mình, nó bỗng nhớ tới hình ảnh cậu bé cao ngang ngửa nó, vừa ngồi viết bài vừa lẩm nhẩm mấy lời y chang người lớn.

- Xã mình nghèo, nhưng cái nghèo không phải là lý do để được phép thất học. Trên bờ xáng dù nhỏ nhưng vẫn có trường học đấy thôi, tiếc là bị bỏ hoang vì không người nào chịu tới dạy, mà dân mình thì chẳng ai dám lên tiếng đòi.

Cậu của năm đó, tuy rằng chưa hiểu đời bằng ai, nhưng cũng nhìn ra cái niềm khát khao được học chữ của tụi bạn xung quanh mình, những lời cảm ơn chân thành không giả dối, những nụ cười hạnh phúc khi được tiếp xúc với một thế giới khác, mới mẻ và lý thú biết bao nhiêu.

Có thể đọc, có thể viết, đây chính là hành trang tối thiểu nếu muốn đuổi theo và bắt kịp sự tiến bộ của thế hệ hiện tại.

Nhưng muốn là một chuyện, để đạt được nó còn cần rất nhiều thứ, thí dụ như giấy đỏ cho phép mở trường học từ sở giáo dục tỉnh, chữ kí đứng tên của một thầy hiệu trưởng trường khác, đội ngũ giáo viên ít nhất cũng phải thêm một cô giáo đến dạy, quan trọng là tiền sửa sang lại ngôi trường từ thời ông bà ngoại Hưởng chập chờn yêu nhau kia, tất nhiên là vận động bà con gây quỹ, nhưng kinh phí quá lớn, quyên góp bao lâu mới đủ đây? Đó là chưa kể thuyết phục phụ huynh cho con cái của họ đến trường, tuy nói là trẻ nhỏ, nhưng tụi nhóc đấy ở nhà thể nào cũng quét tước, nấu cơm, cho heo ăn rần rần ấy chứ.

Có quá nhiều điều cần xử lí, quá nhiều chuyện phải đối mặt, Hưởng nghĩ mà tay vò đầu tay bứt tóc, miệng bắt đầu nhả khói, bí thế hoàn toàn. Nhưng dù cho tình hình bế tắc cậu vẫn nhận thức được, trở ngại đầu tiên cần vượt qua chính là kinh phí xây trường.

- Chú có biết ai trong xóm mình vừa có tiền vừa có lòng tình nguyện cao không?

Mẫn không chút nghĩ ngợi, nó nói.

- Thì cậu Lý trưởng đó.

Cái người "Lý trưởng" này, Hưởng cũng có từng nghĩ tới.

Cậu lấy dao thái tách trái hồng đào ra, bỏ miệng ăn một miếng, không khỏi bất ngờ, đào trái mùa đã hiếm, đào vừa trái mùa vừa có thể mọng nước, ngọt lịm tới chừng này lại càng hiếm hoi, chứng minh Quốc của cậu thật sự rất tài giỏi.

Hưởng tủm tỉm cười, quay qua liền thấy thằng Mẫn đang nhìn mình, ánh mắt đậm đà một lời khó giải thích, cậu ho một tiếng, xoay cái mặt đỏ sang chỗ khác, nhỏ giọng hỏi.

- Chú có cách nào liên lạc với người "Lý trưởng" đó không? Anh muốn bàn với cậu ấy một chút về chuyện xây lại trường học.

Hưởng phủi phủi tay, lịch bịch đi vô buồng chuẩn bị ngủ, Mẫn không thèm liếc cậu một cái, đợi Hưởng vô mùn rồi, Mẫn bước lại bàn thổi tắt đèn dầu, nó chậm rãi trả lời, từ trong bóng tối, Hưởng nghe thật rõ ràng giọng nói đều đều của Mẫn.

- Người "Lý trưởng" kia chính là người trồng ra trái đào anh ăn hồi nãy đó.

[KookV] PHÍA SAU NHÀ, CÓ MỘT VƯỜN HOA - 167Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ