Bầu trời mồng bốn tháng bảy dưới đôi mắt bà Elaine dường như không còn xanh cao và thơ mộng như trước đây. Mồng bốn tháng bảy đã tước đi của bà mọi thứ. Bà không còn nhớ cảm giác có một đôi cẳng chân không què quặt khuyết thiếu là như thế nào, bà không còn có thể cùng chồng vẽ ra một viễn cảnh hai người hưởng hạnh phúc tuổi già, và nhất là, bà mãi mãi không bao giờ thấy được con trai mình cầm trên tay tấm bằng đại học.
Chấm dứt rồi.
Có đôi lúc người phụ nữ già nua khốn khổ ấy chỉ ước mình chết quách đi cho rồi, chi bằng bà chết đi còn hơn là phải sống mãi trong nỗi dằn vặt không nguôi ngoai và một đôi chân tật nguyền - thứ sẽ và sẽ luôn gợi nhắc bà đến cái sai lầm chết dẫm ấy. Suốt bốn năm qua, bà Elaine có rất nhiều cái giá như. Giá như con trai bà đừng trở về, giá như họ đừng đến Vancouver, giá như họ đừng lên xe buýt, giá như ngày hôm ấy đừng là mồng bốn tháng tư, giá như mồng bốn tháng tư không phải Ngày Độc Lập, giá như Ngày Độc Lập đừng nhiều xe cộ như vậy, giá như xe không đi tuyến đường đó, giá như gã tài xế lái chiếc xe tải chở container đã tông vào xe buýt không dùng ma tuý đá quá liều.
Giá như. Giá như. Giá như. Giá như không phải là một cụm từ tốt đẹp. Sở dĩ như vậy là vì người ta chỉ nói giá như khi họ cảm thấy có điều gì thật đáng buồn và đáng tiếc, và càng nhiều những chữ giá như thì càng chứng tỏ tiếc nuối càng nhiều. Nhưng giá như là giá như. Giá như không khiến chồng và con trai bà sống lại.
Những lúc vun đất cho chậu sen đá, bà Elaine lại tự nhủ đáng ra bà không nên bi quan như thế này. Bi quan chẳng giúp ích gì, dù có bi quan thì đất cũng không tự vun và nước cũng không tự tưới, bi quan không sửa chữa được những đổ vỡ. Trời ạ. Bi quan là một căn bệnh nan y đã đâm chồi nảy rễ trong bà kể từ mồng bốn tháng bảy bốn năm trước bởi lẽ bà Elaine cũng đâu muốn mãi ôm rịt lấy quá khứ và những mộng tưởng còn dang dở. Dù đã tự nhủ bao nhiêu lần rằng không được phép bi quan, vì họ chắc chắn không muốn bà sống một cuộc sống thất thểu và nhạt nhẽo, nhưng dứt ra được cái cảm giác tội lỗi chó má ấy gần như là điều không thể.
Thật ích kỷ biết bao.
Bốn mùa táo rụng những quả mọng ngoài sân nhà, bà Elaine vẫn không thể nào nguôi ngoai. Khi cầm trên tay con dao với lưỡi sắc ngọt, chẻ đôi chẻ tư trái táo đỏ ra, ý nghĩ rằng một ngày nào đó bà sẽ tự cắt đứt sợi dây sinh mệnh mình luôn luôn nảy hiện trong đầu bà, nhưng rồi lại xua đi ý tưởng đó. Con dao bạc nọ là món quà từ một người bạn cũ nhân dịp tròn tháng đứa con đầu lòng, và cũng là đứa con duy nhất của hai vợ chồng bà. Bà còn nhớ mình đã nâng niu và gìn giữ món quà ấy như thế nào. Tuy vào giờ phút này, nó chẳng còn chút nghĩa lý nào.
Trong những cơn mộng mị, hình bóng của họ dưới lốt những con đom đóm lập loè trong đêm đen vẫn luôn thấp thoáng đâu đó nơi những tưởng niệm mơ hồ về một quá khứ đẹp đẽ, một quá khứ mà được sống là một ân huệ, không phải đớn đau được ban phát, một quá khứ mà mồng bốn tháng bảy không chấp chứa những khổ đau. Dứt khỏi những mộng tưởng, bà lại phải sống. Nào phải đâu bà không muốn bước tiếp. Bà muốn sống lắm ấy chứ. Bà còn phải tiếp tục sống cho cả phần của Joshua và Neil nữa.
Hy vọng bầu trời mồng bốn tháng bảy sẽ lại sáng.
BẠN ĐANG ĐỌC
bầu trời mồng bốn tháng bảy
Short Storyta rồi đều sẽ chết. - lấy cảm hứng từ fourth of july - sufjan stevens.