Các loại ý tưởng.

896 51 1
                                    

Giờ các bạn đã biết được các ngưỡng của sự sáng tạo, mị sẽ quay lại phần ý tưởng. Có lẽ các bạn sẽ thắc mắc rằng tại sao mị lại nói đến ngưỡng của sự sáng tạo rồi đá sang ý tưởng mà không cho nó một phần riêng? Thật ra, đây là ý đồ của mị.

Ngưỡng sáng tạo và ý tưởng liên quan mật thiết đến nhau.

Nếu các bạn hiểu được ngưỡng sáng tạo của mình các bạn sẽ biết cách lựa chọn ý tưởng phù hợp, ngược lại, các ý tưởng mà bạn đưa ra cũng sẽ xác định ngưỡng sáng tạo của bạn. Đó là lí do mà mị đặt chúng trong cùng một phần.

Như mị đã giải thích ở phần hình thành ý tưởng, chúng ta biết được rằng, ý tưởng được hình thành nên một cách rất chóng vánh. Các ý tưởng có thể nảy ra trong đầu nhà sáng tạo mỗi ngày, thậm chí có những bạn từng nói với mình rằng họ có rất rất nhiều ý tưởng. Tuy nhiên, ý tưởng cũng có phân loại đấy. Bao gồm:

1. Ý tưởng lớn và ý tưởng nhỏ.

2. Ý tưởng giá trị và ý tưởng không có giá trị hoặc giá trị ít.

3. Ý tưởng riêng biệt và ý tưởng ăn cắp hoặc hình thành từ sự đối chiếu, thu thập sau khi đã tiếp xúc với ý tưởng của người khác.

- Ý tưởng lớn là những ý tưởng bao quát, rộng lớn và để thể hiện nó ra, bạn cần nhiều ý tưởng nhỏ khác nữa. Ý tưởng nhỏ là ý tưởng đơn vị, dùng để bổ sung cho ý tưởng lớn, thống nhất với ý tưởng lớn. Ý tưởng lớn thì câu chuyện bạn tạo ra sẽ lớn còn ý tưởng nhỏ thì câu chuyện bạn tạo ra sẽ nhỏ.

Ví dụ nhé: Bạn có ý định viết một bộ truyện tình yêu, thanh xuân vườn trường - Đây là ý tưởng nhỏ. Nhưng nếu bạn có ý định viết một bộ truyện tình yêu, thanh xuân vườn trường với bối cảnh là trường học cảnh sát và bạn còn viết về cuộc sống khắc nghiệt của những người cảnh sát nữa thì đây chính là ý tưởng lớn. Ý tưởng lớn buộc bạn phải có lượng kiến thức lớn và trải nghiệm lớn.

- Ý tưởng giá trị và ý tưởng không giá trị. Bạn nảy ra ý tưởng mỗi ngày nhưng không phải ý tưởng nào cũng đáng giá để bạn khai thác. Có những ý tưởng hình thành nhanh chóng rồi bạn sẽ dìm nó đi ngay vì không khả thi nhưng có những ý tưởng độc đáo, mới mẻ có tiềm năng cao mà bạn thề, bạn ấp ủ phải viết ra bằng được. Bạn sẵn sàng bỏ máu và mồ hôi để hoàn thành nó.

- Ý tưởng riêng biệt và ý tưởng sao chép: Cái này hẳn là mị không cần giải thích. Ý tưởng riêng biệt hình thành từ sự trải nghiệm của bạn còn ý tưởng ăn cắp hoặc ý tưởng bóng hình thành sau khi bạn đọc sản phẩm sáng tạo của người khác. Ý tưởng này thường không chân thật và bạn sẽ đuối sức trong quá trình phát triển nó. Khi niềm hứng khởi của bạn lụi tàn dần thì bạn cũng không còn mặn mà gì với nó nữa.

Vì thế cho nên, trước khi bắt tay vào để hoàn thiện một ý tưởng, bạn cần đánh giá đúng giá trị của ý tưởng đó. Nếu bạn không có quyết tâm cao độ để triển khai nó thì thôi đừng viết, phí hoài thời gian và công sức của bạn thôi. Hãy dành thời gian đó để làm những việc ý nghĩa hơn.

Sau khi có ý tưởng phù hợp rồi, bạn sẽ triển khai ý tưởng đó ra thành một sườn bài chi tiết. Trong quá trình bạn mở rộng ý tưởng ấy, bạn sẽ phải thêm thắt nhiều tình tiết khác vào ý tưởng nữa. Các tình tiết đó bao quanh ý tưởng của bạn và góp phần đánh bật ý tưởng đó lên. Tuy nhiên, hãy cẩn thận với quá trình suy nghĩ tình tiết, đừng lang thang đọc bài dạo nhiều nếu không bạn sẽ vô tình chôm tình tiết của người khác đây.

Có nhiều người ăn cắp tình tiết của người khác nhưng không ý thức được sự ăn cắp đó và họ làm điều đó trong mơ màng. Họ chỉ suy nghĩ đơn giản là thêm tình tiết đó vào thì sẽ hay hơn. Thật ra tình tiết không được tạo ra ngẫu nhiên, nó là hệ quả từ tính cách của nhân vật. Để kể chuyện thì nhân vật là không thể thiếu, nhân vật là yếu tố trọng tâm của câu chuyện, nhân vật có tính cách thế nào thì sẽ hành động như thế ấy và chuỗi hành động của tất cả các nhân vật sẽ tạo ra tình tiết. Thế nên không có tình tiết nào hoàn toàn giống tình tiết nào cả. Thế giới của tác giả ấy tạo ra ý tưởng đó, ý tưởng đó tạo ra nhân vật đó, nhân vật đó hành động như thế đó, chuỗi hành động đó tạo nên tình tiết đó. Mọi thứ đều nằm bên trong thế giới của tác giả, bị chi phối bởi cảm xúc, thói quen, kinh nghiệm sống của tác giả. Không ai giống ai.

Như vậy cách để xây dựng tình tiết tốt nhất là gì? Là hãy tạo ra nhân vật một cách sáng tạo. Nói chung để tạo ra nhân vật nổi bật và mang tính chất riêng biệt thì còn cần tài năng và trải nghiệm nữa. Nghệ thuật là một bộ môn sáng tạo, không phải là bộ môn sao chép. Thế nên nếu bạn không sáng tạo thì bạn không thể làm nghệ thuật được. Thật buồn cười khi bạn bảo rằng mình là nhà văn - Một người sáng tạo nhưng lại chỉ đi đạo nhái từ người khác, đúng không nào?

Sự đạo nhái hay đánh cắp cũng gây hại cho bạn đấy. Bạn là người bị nó làm hại trước tiên. Nếu bạn phụ thuộc vào việc tìm kiếm ý tưởng từ người khác, dần dà bạn sẽ trở nên lười suy nghĩ và lười trải nghiệm. Bạn sẽ không còn động não nữa. Như thế thì rất tai hại. Những gì bạn viết ra nếu không có linh hồn thì ai sẽ đọc chứ? Đúng không? Vì vậy hãy ngưng tham khảo từ nguồn khác đi, hãy viết câu chuyện của chính bạn. Nếu bạn không viết được thì bạn đừng viết nữa.

Thật ra mị không thích hệ thống phân loại trong văn học mạng Trung Hoa, về việc phân chia ra đâu là nam chính phúc hắc, tra nam, bạch liên hoa, sắc nữ... Bởi vì những cách phân biệt này làm đóng khuôn sự sáng tạo. Họ quy chuẩn các nhân vật vào một dạng cụ thể rồi gắn mác cho các bộ truyện. Đây là hành động giết chết sự sáng tạo bởi con người vốn đa dạng về tính cách. Không có một kiểu nhân vật nào điển hình cả bởi từ những trải nghiệm khác nhau thì sẽ hình thành nên những con người có tính cách khác nhau. Tính cách đôi khi còn mâu thuẫn với hành động của nhân vật nữa, nhân vật hành động không phải do tính cách chi phối hoàn toàn.

Đặc biệt nhất là kiểu biến nữ phụ thành nữ chính. Mình cảm thấy dường như các bạn đã hiểu sai một điều về khái niệm nhân vật chính phụ. Nếu nữ phụ xuất hiện trong bộ truyện với vai trò nữ chính thì cô ta chẳng phải đã hóa thành nữ chính rồi sao? Chẳng qua là cô ta xuất hiện với vai trò khác. Và giả như nữ chính và nam chính bị ghét bởi nam phụ và nữ phụ phải chịu đau khổ thì, nam phụ xuất hiện trong bộ truyện với vai trò của nam chính, vậy nam chính là ai? Mình cảm thấy đây đúng là trò lừa thế kỉ. Thật ra nam chính và nữ chính là những nhân vật xúi quẩy nhất trong truyện. Họ luôn gặp nạn, họ bị rất nhiêu mâu thuẫn chia cách. Họ trải qua những thử thách đó và đến bên nhau để rồi cuối cùng làm bật lên ý tưởng của bộ truyện. Nhân vật là yếu tố quan trọng nhưng không đại diện cho toàn bộ câu truyện, làm nên bộ truyện còn có nhiều yếu tố khác như văn phong, như tình tiết, như kiến thức, như bối cảnh, mạch cảm xúc và quan trọng là tư tưởng. Nếu các bạn cứ viết một bộ truyện theo hơi hướm Trung Quốc và đi trên những vết xe đổ đó thì sự sáng tạo sẽ dần lụi tàn. Sáng tạo luôn luôn bắt nguồn từ cuộc sống, cuộc sống rất đa dạng, muôn hình, không thể quy định con người hay một bối cảnh cuộc sống nào vào những cái khuôn được.

Bí quyết viết truyện có lượt view caoNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ