Sài Gòn 1954.
Đó là thuở mà phòng trà là chốn ma mị làm mê dại lòng người, là thời điểm nở rộ lên thứ âm nhạc sang trọng đã giữ chân biết bao khách vãng lai ghé ngang qua chốn đây cốt để thưởng thức tiếng hát của một nàng ca sĩ. Người đến phòng trà đa số là tầng lớp khá giả, bỏ ra một số tiền để ngồi giữa ánh đèn nê-ông xanh tím đủ màu, miệng nhâm nhi một ly trà còn nghi ngút khói, phảng phất bên tai là tiếng hát ngọt ngào như chất mật vàng sóng sánh của loài ong cần mẫn, thật giống như biệt đãi của một quý ông phương Tây nào khi ghé qua thăm chốn thành đô.
Quán Nghệ Sĩ là phòng trà nổi danh nhất thời bấy giờ, vì các ca sĩ ở đây không phải hát theo chủ đề có sẵn như thường thấy trên vô tuyến hay các sân khấu ca múa nhạc. Họ hát về mọi thứ, mọi khía cạnh, mọi ngóc ngách. Bởi người ta đến phòng trà vì mê mẩn cái không khí huyền hoặc nơi ấy, chứ không phải để đếm xem mỗi chủ đề có bao nhiêu bài hát.
"Trăng về viễn xứ" là ca khúc nổi tiếng nhất Quán Nghệ Sĩ, không chỉ bởi cái điệu nhạc sầu khổ như đang vắt đến tàn kiệt một trái tim phải rỉ máu vì tình, mà còn bởi người thể hiện ca khúc đó, là một nghệ sĩ vô danh.
Ừ thì mà là, chủ phòng trà, ông Nam Tuấn đã gọi tên chàng như thế, ngay từ cái ngày chàng bỡ ngỡ bước chân lên sân khấu cất những tiếng hát đầu tiên, cho đến khi tên tuổi của chàng đã phủ rộng khắp các mặt báo Sài Gòn. Người ta kháo nhau rằng, đó là một chiêu giữ khách rất hay của ông chủ Tuấn, cốt là để cho Quán Nghệ Sĩ vẫn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường khi tân nhạc đã bắt đầu nở rộ.
Người ta đến phòng trà đâu phải chỉ vì mê đắm một bóng hồng mang nét cười tinh khiết như sương mai hay quyến rũ như màn đêm ở phố thị, mà còn đến bởi giọng hát nổi danh như tiếng chuông ngọc rung lên nơi thiên đàng màu nhiệm - giọng hát của người nghệ sĩ vô danh. Chẳng phải có thời người ta đến Quán Nghệ Sĩ nghe chàng hát "Trăng về viễn xứ" mãi mà không chán. Còn nhớ mỗi khi chàng hát bài hát ấy, người ta đã phải đau đớn, thổn thức như thể chính mình là thủ phạm làm tan nát trái tim chàng.
Hôm nay, phòng trà vẫn đông như lệ thường vốn thế. Người ta kéo đến chật kín những bàn tròn màu trắng nhỏ đã được bày đầy lối đi, để chuẩn bị đắm mình trong một miền cố hương xa xôi nào, có vầng trăng nhạt màu dở dang như mối duyên đầu e ấp của người thiếu nữ thôn quê trong "Trăng về viễn xứ".
"Đêm đông mờ nhạt ánh trăng vàng
Nghe sầu viễn xứ mỗi đông sang
Và hồn buốt giá trong trăng lạnh
Đau mãi trong lòng buổi ly tan.Ai về quê cũ cho tôi nhắn
Nhớ quá vầng trăng ở quê nhà
Ánh trăng huyền diệu trên cành lá
Lóng lánh sương đêm, chiếu sáng lòa.Trăng xứ người vầng trăng không tỏ
Bởi ánh đèn đêm đã nhạt nhòa
Trông áng mây chiều vươn khói tỏa
Trăng buồn viễn xứ mấy đông qua." (*)Cả khán phòng lặng thinh, chỉ còn lại tiếng hát thiết tha, nghẹn ngào như đang than khóc cho một mối sầu tơ vương thật đẹp. Thái Hanh nương theo tiếng ca đã làm ông mê đắm không biết bao nhiêu lần mà đưa mắt về phía chàng ca sĩ đang cất tiếng phía sau rèm che. Hôm nay rèm đỏ ấm, cả sân khấu được bày trí như phòng tân hôn của một cặp vợ chồng son mới cưới nào, tha thướt phủ xuống che khuất dáng vẻ người nghệ sĩ, chỉ để lộ ra chất giọng dịu dàng như ánh trăng xua tan đi mây mù giăng lối, trong trẻo như ánh nắng đầu ngày lặng lẽ soi mình dưới sương khuya.