Ba mẹ cứ thế im lặng mà sống với nhau thêm nhiều năm nữa. Ba tôi vẫn đi biền biệt, cứ đôi hôm dăm bữa lại xách vali lên mà đi. Tôi hiểu ba mẹ kiểu gì cũng khó có thể hàn gắn được như xưa. Mẹ tôi giữ lời với ba, không còn gặp dì Ngôn nữa. Thật ra thì mẹ tôi có muốn cũng không thể gặp lại. Sau đợt cãi nhau to của ba với mẹ, dì Ngôn biệt tăm. Dì chuyển khỏi khu này, hoặc có thể chuyển khỏi thành phố này luôn không chừng. Dì không để lại chút thư từ nhắn gửi gì cho mẹ tôi, cứ như dì nói đi là liền đi trong một đêm. Ngày mẹ tôi nhìn căn nhà trống hoác treo biển rao bán, mắt mẹ bần thần ánh lên tia tuyệt vọng. Tôi hỏi mẹ, có phải vì tôi không ngoan nên dì Ngôn mới bỏ đi hay không. Mẹ bảo, dì bỏ đi là vì mẹ. Vì mẹ làm dì khổ, vì mẹ làm dì buồn. Tôi không biết có phải thật như mẹ nói không, nhưng tôi không hề trách mẹ. Tôi biết, dì Ngôn đi rồi, mẹ cũng chẳng sung sướng hơn là bao. Thậm chí, mẹ còn buồn, còn đau hơn tôi gấp trăm nghìn lần. Mấy hôm đầu dì mới chuyển đi, tối nào mẹ cũng ôm tôi vào lòng mà lặng lẽ rơi nước mắt. Tôi cứ tưởng dì Ngôn chuyển đi làm mẹ mất đi người bạn tốt nên mẹ buồn, giống như lúc Nhiên Nhiên nhà bên theo ba mẹ đến Thượng Hải, tôi cũng đã khóc sướt mướt trong ngày chia tay và cả một tuần sau đó. Tôi giữ lại chiếc gối dì Ngôn từng nằm để dành cho mẹ, vì tôi biết, mẹ yêu hương trà giản dị của dì hơn bất kì mùi hương xa xỉ nào trên thế giới này. Hương trà nhàn nhạt xoa dịu lòng mẹ, len lỏi vào nơi ngực trái mà mơn man, an ủi.
.
.
.
.
Đến lúc tôi mười lăm, mười sáu tuổi tôi mới ngờ ngợ ra được chuyện mập mờ giữa mẹ và dì Ngôn khi tôi tìm thấy xấp thư úa màu nằm nép trong ngăn sách của mẹ. Chỉ cần nhìn qua một lần tôi liền có thể nhận ra nét chữ quen thuộc của mẹ, vì tôi đã đọc nát nhừ mấy tập bản thảo viết tay mẹ soạn. Chữ của mẹ không đẹp, mẹ thường dặn tôi phải chăm luyện chữ, nếu không chữ sẽ khó nhìn giống như mẹ vậy. Nét chữ còn lại ngay ngắn và gọn gàng hơn, tuy không đề rõ họ tên nhưng phía cuối có ghi "Ngôn Ngôn", tôi liền có thể đoán được cái tên "Dụ Ngôn". Ngày tháng trên bức thư đều là vào khoảng những năm bảy mươi mấy, tám mươi, khi mẹ tôi và dì Ngôn còn rất trẻ, chắc cũng chỉ khoảng độ đôi mươi. Tôi không còn đọc rõ chữ viết trên giấy nữa vì chỗ nào cũng nhòe nhòe dính nước. Giấy ố vàng làm mờ đi nét chữ vốn có, tôi cố căng mắt ra cũng chỉ đọc được vài câu ngăn ngắn. Nhưng tóm lại, tôi biết mẹ và dì Ngôn từng là một cặp tình nhân. Tôi không sốc. Dù ở thời đại của tôi, đồng tính vẫn là vấn đề nhạy cảm, nhưng tôi được tiếp cận văn hóa phương Tây thông qua sách truyện và lời dạy của mẹ nhiều hơn bất kỳ thiếu niên nào ở độ tuổi này, tôi cũng dần hình thành cho mình cái nhìn phóng khoáng hơn về con người và xã hội. Tôi hiểu mẹ và dì đã khổ sở như thế nào trong những năm tháng tuổi trẻ.
Khi tôi lật hết mấy bức thư cũ mèm, tôi không khỏi bật khóc. Không có gì nhiều nhặn, chỉ có mỗi đầu thư mẹ gửi dì đều bắt đầu bằng đôi câu thơ sến súa của thập niên tám mươi, và kết thúc thư là một câu "Chị thương và nhớ em mỗi ngày". Đúng là người viết văn, sến chết đi được. Chẳng hiểu sao tôi vẫn vô thức khóc khi nhìn lại những bức thư tỏ tình lỗi thời này. Nhìn vào một quá khứ tươi đẹp, đem lên bàn cân so sánh với thực tại tàn nhẫn, tôi có thể nào không khóc không. Tôi tự hỏi, ngày mẹ tôi đôi mươi, lúc viết nên những dòng này, mẹ có tưởng tượng ra ngày hôm nay hay không? Khi người bên cạnh mẹ chẳng còn là người trong thư mẹ viết? Khi mẹ và người thương xa nhau gần chục năm, rồi vô tình gặp lại, nhưng một lần nữa vì miệng lưỡi thế gian, mẹ và người ta lại chia đôi đường cách biệt?
BẠN ĐANG ĐỌC
| cương hảo dụ kiến ny | du yên |
Fanficmẹ và dì có còn thương nhau không? note: do not copy or edit or cover without my permission