Tác giả Vũ Trọng Thư
Nguồn thienvanvietnam.org
Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc tự mình sẽ làm ra được 1 chiếc KTV chưa? Có lẽ đa số là chưa vì cứ nói đến KTV là hình như người ta cứ nghĩ ngay đến những KTV khổng lồ đường kính 6m, 8m, 10m cùng với những nhà vòm to lớn... được chiếu trên TV và chỉ dừng lại ở đó. Tuy nhiên theo kinh nghiệm ít ỏi của bản thân tôi, việc đầu tiên mà chúng ta cần làm quen với TVH không phải là đọc các sách vở nói về các quy luật chuyển động các hành tinh, các chòm sao, mặt trời... mà phải là bắt tay vào tự làm cho mình một chiếc KTV (chiếc KTV mà tôi sẽ giới thiệu với các bạn sau đây có giá tiền mua nguyên vật liệu khoảng 30.000VND thôi nên chắc hầu hết ai cũng có thể thực hiện được)!
Có thể bạn nghĩ rằng tôi suy nghĩ có vấn đề? Cũng có thể là như vậy lắm chứ, nhưng theo tôi mới học TV mà đã lao vào học trên lý thuyết suông các công thức, các quỹ đạo chuyển động... thì sẽ chỉ làm cho người mới học rối tung đầu óc lên thôi. Trong khi đó, tại sao ta lại không học TV thông qua thực hành nhỉ, bằng việc tự tạo cho mình một chiếc KTV (thực ra đối với amateur như chúng ta thì gọi nó là ống nhòm có lẽ đúng hơn) sẽ đem lại cho bạn những giây phút giải trí rất thú vị và hiệu quả.
Chúng ta hãy cùng bắt đầu nhé, trước hết bạn cần biết rằng cấu tạo chung của KTV cực kỳ đơn giản, chỉ gồm có 2 thấu kính (lens) đặt trên cùng 1 đường thẳng thôi, không gì có thể đơn giản hơn như vậy. Tiếp theo để giữ cho ống kính được thẳng và có thể quay được người ta lắp 2 thấu kính trên vào 1 cái ống (tube) - đối với chúng ta theo tôi tốt nhất là dùng ống nước (nhựa PVC) để làm, vừa rẻ vừa nhẹ.
Như đã nói ở trên, KTV của chúng ta gồm 2 thấu kính, 1 cái ở đằng trước đối diện với vật thể được quan sát được gọi là kính vật (objective glass) có tiêu cự f1; cái ở đằng sau là chỗ mà mắt ta trực tiếp ngắm vào gọi là kính mắt (eye piece) có tiêu cự f2. Nắm được 2 con số f1 và f2 cho ta một số tính năng cơ bản của 1 KTV, đó là:
+ Số phóng đại của kính G=f1/f2 (lần)
+ Chiều dài giữa 2 kính d=f1+f2 đơn vị chiều dài
f1 và f2 thường được đo bằng cm, tuy nhiên có 1 số trường hợp f1 được đo bằng m còn f2 đo bằng mm nên bạn phải đổi chúng về cùng 1 đơn vị đo.
Để cho rõ thêm về f1, f2 bạn có thể tham khảo ví dụ sau: chiếc KTV mà Galileo đã dùng để quan sát Mặt Trăng, sao Mộc... và đã phát hiện ra bao nhiêu điều mới là về vũ trụ, làm thay đổi toàn bộ quan niệm của con người, làm sụp đổ thuyết nhật tâm Ptoleme... có f1=120cm và f2=4cm. Như vậy bạn có thể tính được KTV này có số phóng đại G=30 lần và nó dài khoảng hơn 1,2m
Còn 1 điểm nữa các bạn cũng có thể thấy được qua công thức G=f1/f2 là ta có thể có được G theo ý muốn bằng cách thay đổi f1 và f2. Thường thì ai mà chẳng muốn có số phóng đại lớn nên người ta hay tìm cách tăng f1 hoặc giảm f2, chẳng hạn với f1=2m (200cm) và f2=1cm thì ta sẽ có G=200 lần - quá tuyệt vời phải không. Tuy nhiên bạn cũng cần biết thêm rằng không phải cứ tăng G lên mà tốt đâu, đối với beginner thì chỉ cần khoảng G=30 lần là đủ, như thế chúng ta cũng sẽ quan sát được những gì mà Galileo vào năm 1609 đã thấy rồi.