GEORGE OHSAWA (SAKURAZAWA NYOICHI)
NGÔ THÀNH NHÂN, NGUYỄN HỒNG GIAO dịch
Hoa Đạo
Hội văn hóa Đông Phương Nhật -Pháp
NHÀ XUẤT BẢN VĂN NGHỆ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, 1991
•HOA ĐẠO CỦA GEORGE OHSAWA
NGÔ THÀNH NHÂN & NGUYỄN HỒNG GIAO DỊCH TỪ BẢN TIẾNG PHÁP “Le Livre des Fleurs”
Giải nhất HARADA
CỦA NHÀ XUẤT BẢN LỊCH SỬ NGHỆ THUẬT Plon, Paris
MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU3
CHƯƠNG MỘT:
VÀI DÒNG LỊCH SỬ9
CHƯƠNG HAI:
CÁC LOÀI HOA25
CHƯƠNG BA:
KỸ THUẬT CẮM HOA45
CHƯƠNG BỐN:
CÂY CẢNH THU NHỎ (BONSAI)63
CHƯƠNG TÁM:
TRIẾT LÝ VỀ HOA79
PHỤ LỤC:
BÀI HOA95
THAY LỜI BẠT:
HOA LÁ CỎ CÂY VÀ TÌNH TỰ DÂN TỘC105
LỜI NÓI ĐẦU
Tôi có một người giúp việc, mỗi lần sắp xếp mầy lọ hoa và chậu cây cảnh nhỏ (bonsai) là cô này cứ quay phía sau ra trước. Cô không sao hiểu thấu trạng thái hài hòa huyền diệu mà một người Nhật chính thống phải cảm thấy được dù trong một bó hoa đơn giản khéo sắp xếp. Dường như cô xa lạ với nghệ thuật hoa cành không phải do thân phận thấp hèn, vì ở Nhật ai cũng muốn trở thành nghệ sĩ, nhất là trong lãnh vực chơi hoa, mà có lẽ cô thiếu khiếu thẩm mỹ. Vì vậy, khi nói về hoa với người Pháp, tôi sợ bị hiểu sai, và tôi càng lo hơn nữa nếu phải nói với những người phương Tây thiếu phần tinh tế, vì ở đây chúng ta bước vào một lãnh vực trưng bày tâm hồn sâu thẳm của người Nhật, luôn luôn bí ẩn và khó hiểu đới với người phương Tây.
Tuy nhiên không gì đơn giản, mộc mạc hơn tâm hồn người Nhật. Tôi nghĩ rằng không có nước nào trên thế giới như ở Nhật người ta tổ chức những chuyến xe lửa chở khách nhàn du đi nghe tiếng chim sơn ca hót lúc nửa đêm, xem hoa anh đào nở, hoặc ngắm những lớp tuyết đầu tiên tô điểm núi non. Vào mùa hè, tại các ga xe lửa ở Nhật có dán những tờ áp phích mời gọi công chúng tham dự trò săn đom đóm. Nhưng đừng vội nghĩ đây là săn bắn thật sự, vì người Nhật chưa từng săn bắn mua vui cho đến khi phong trào từ bên ngoài nhập vào trong nước. Săn đom đóm chỉ là một cuộc đi chơi đến vùng quê Hotaru để ngắm nhìn những côn trùng sáng ngời bay lượn và dùng tay bắt chúng đùa chơi một lúc rồi thả ra. Cũng có những chuyến xe đặc biệt chở khách đi thưởng ngoạn cảnh trăng lên trên những đồi thông lửng lơ sương già… Tương tự những tay nhiếp ảnh ở châu Âu săn lùng cảnh đẹp, nhưng ở đây người ta thích hưởng cảm giác nhất thời hơn là thu vào phim ảnh. Thật vậy, ý muốn vật chất hóa mọi điều kỷ niệm của người phương Tây đối với người Nhật dường như ấu trĩ, vì có khác chi giữ mãi trong bình một bó hoa tàn. Phải quay mặt đi chỗ khác, đừng nhìn những vật đã chết, nhất là những vật từng có thời tươi đẹp. Người Trung Quốc xưa đã dùng hai động từ diễn tả khả năng nhìn thấy: “thị” là thấy bằng mắt, và “ngộ” là thấy bằng tâm hồn.