Văn học Việt Nam là một. Đối với đại đa phần người đọc, bình thường và nói chung, điều ấy là lẽ đương nhiên. Một tác phẩm văn học hay, hoặc không nhất thiết phải rất hay mà chỉ cần là đáng đọc thôi, do một người Việt sáng tác bằng Tiếng Việt và xuất bản bằng Tiếng Việt, thì dĩ nhiên đấy là một tác phẩm đóng góp vào cho kho tàng văn học Việt Nam nói chung. Văn học Việt Nam là một, trong sự đa dạng. Chí ít trong thế kỷ XX là thế. Ngoài sự rất riêng của mỗi nhà văn, mỗi tác phẩm, còn có sự rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, của nhiều dòng, nhiều nhóm, nhiều xu hướng văn chương cùng tồn tại trên văn đàn. Có lẽ chính sự phong phú và đa dạng ấy là một trong những duyên do hàng đầu làm nên sức phát triển mạnh mẽ và sáng ngời của văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Nửa sau thế kỷ XX, chiến tranh và cách mạng, đất nước bị ngoại xâm, bị tách đôi, bị cắt thành những vùng miền đối lập đối kháng dữ dội về chính trị và về mọi mặt của cuộc sống. Nhà văn và độc giả dù muốn hay không, một cách khách quan vẫn bị tách ra, trước mắt là theo giới tuyến và chiến tuyến, rồi theo quan niệm chính trị, theo ác cảm hoặc thiện cảm với bên này bên kia. Văn đàn tất nhiên cũng bị lửa đạn chiến tranh và đấu tranh chính trị cắt ra thành những mảng lớn mảng nhỏ hầu như không có một nét chung nào. Nhưng, chỉ là hầu như thôi, bởi vì xét cho cùng vẫn có một nền chung, ấy là người Việt, tiếng Việt, nước Việt.
6 parts