Dạy con làm giàu
Lời nói đầu
Lời nói đầu Một trong những nguyên nhân khiến người giàu ngày càng giàu, người nghèo ngày càng nghèo, còn giới trung lưu thì thường mắc nợ chính là vì chủ đề tiền bạc thường được dạy ở nhà chứ không phải ở trường. Hầu hết chúng ta học cách xử lý tiền bạc từ cha mẹ mình, và thường thì người nghèo không dạy con về tiền bạc mà chỉ nói đơn giản là: “Hãy đến trường và học cho chăm chỉ.” Và rồi đứa trẻ có thể sẽ tốt nghiệp với một số điểm xuất sắc nhưng với một đầu óc nghèo nàn về cách quản lý tiền bạc, vì trường học không dạy về chuyện tiền nong mà chỉ tập trung vào việc giáo dục sách vở và những kỹ năng nghề nghiệp mà không nói gì về kỹ năng tài chính. Đó chính là lý do tại sao những nhân viên ngân hàng, bác sĩ, kế toán thông minh dù đạt được nhiều điểm số xuất sắc ở trường nhưng lại gặp nhiều rắc rối tài chính suốt đời. Và những món nợ quốc gia chóng mặt thường bắt nguồn từ những vị lãnh đạo có học vấn cao, nhưng chỉ được huấn luyện rất ít hoặc không có chút kỹ năng nào về vấn đề tài chính. Một quốc gia có thể tồn tại như thế nào nếu việc dạy trẻ con quản lý tiền bạc vẫn là trách nhiệm của phụ huynh, mà hầu hết họ không có nhiều kiến thức về vấn đề này? Chúng ta phải làm gì để thay đổi số phận tiền bạc lận đận của mình? Nhà giàu đã làm giàu như thế nào từ hai bàn tay trắng?... Có lẻ bạn sẽ tìm thấy cho mình những lời giải đáp về các vấn đề đó trong cuốn sách này. Tuy nhiên, do khác biệt về văn hoá, tập quán và chính thể, có thể một số phần nào đó của cuốn sách sẽ khiến bạn thấy lạ lẫm, thậm chí chưa đồng tình… dù rằng đây là một cuốn sách đã được đón nhận nồng nhiệt ở rất nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi giới thiệu cuốn sách này với mong muốn giúp bạn có thêm nguồn tham khảo về một trong những lĩnh vực cần dạy con trẻ biết trước khi vào đời, của các bậc phụ huynh ở các nước khác… Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các bạn. Xin trân trọng cảm ơn.
Chương 1: Cha Giàu, Cha Nghèo
Tôi có hai người cha, một người giàu và một người nghèo - một người cha ruột và một người cha nuôi (cha của Mike - bạn tôi). Cha ruột tôi đã có bằng thạc sĩ, còn người cha nuôi thì chưa học hết lớp tám, nhưng cả hai người đều thành công trong sự nghiệp và có ảnh hưởng đến người khác. Cả hai đều khuyên bảo tôi rất nhiều điều, nhưng những lời khuyên đó không giống nhau. Cả hai đều tin tưởng mãnh liệt vào sự học nhưng lại khuyên tôi học những khóa học khác nhau. Nếu tôi chỉ có một người cha, tôi sẽ hoặc chấp nhận hoặc phản đối ý kiến của ông. Có hai người cha dạy bảo, tôi thấy được những quan điểm trái ngược nhau giữa một người giàu và một người nghèo. Và thay vì chỉ đơn giản chấp nhận hay phản đối người này hay người kia, tôi đã cố suy nghĩ nhiều hơn, so sánh và lựa chọn cho chính mình.
Cả hai người cha của tôi khi bắt đầu tạo dựng sự nghiệp đều phải đấu tranh với chuyện tiền nong, nhưng cả hai có những quan điểm khác nhau về vấn đề tiền bạc.
Ví dụ, cha ruột tôi thường nói: "Ham mê tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu." Còn cha nuôi của tôi lại bảo rằng: "Thiếu thốn tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu."