Giữa lúc dòng văn học hiện thực phê phán (1930-1945) tưởng như chấm dứt thời kỳ vàng son của mình thì Nam Cao xuất hiện như một ngôi sao lạ trên bầu trời đầy sao. Với tác phẩm "Chí Phèo" (1940), Nam Cao đã đóng góp cho dòng văn học hiện thực một điển hình nông dân mới lạ, sâu sắc, độc đáo với tấn bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo.
Chí Phèo ra đời thật là thê thảm: "Một anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương đã thấy hắn trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp để bên cạnh cái lò gạch bỏ không, anh ta rước lấy và đem cho người đàn bà goá mù.Người đàn bà goá mù này bán hắn cho bác phó không con và khi bác phó cối chết thì hắn bơ vơ, hết đi ở nhà nọ.Thân phận của đứa con hoang thật là bi thảm.May thay, xã hội cũng còn chút tình thương nên Chí mới có thể tồn tại mà trưởng thành.Nếu ở trong một xã hội bình thường thì Chí vẫn có thể trở thành người lương thiện.Năm 20 tuổi hắn đã là một thanh niên khoẻ mạnh làm canh điền cho Bá Kiến, "hắn ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải,chúng lại bỏ một con lợn để làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm".Nhưng mơ ước nhỏ nhoi như vậy cũng không thành.
Hắn cũng có lòng tự trọng.Khi bị bà Ba nhà cụ Bá gọi lên bóp chân, bóp đùi gì đó thì"hắn chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì".Nhưng bản chất lương thiện trong sáng ấy của Chí đã bị xã hội huỷ diệt.
Bá Kiến ghen với anh canh điền được bà Ba quyền thu quyền bổ trong nhà nên đã ngầm đẩy Chí Phèo đi ở tù.Sau bảy,tám năm tù, Chí trở về thành một tên lưu manh côn đồ.Nhà tù đã cướp đi bộ mặt lương thiện của hắn, biến hắn trở thành "con quỷ dữ của làng Vũ Đại", "Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gờm gờm trông gớm chết"
Bá Kiến và nhà tù thực dân đã xô đẩy Chí Phèo vào con đường lưu manh tội lỗi.Từ đấy,đối với đời là một cơn say.Những cơn say của hắn tràn từ cơn này đến cơn khác.Hắn ăn trong lúc say,ngủ trong lúc say và thức dật hãy còn say,dập đầu,rạch mặt trong lúc say...để rồi say nữa, say vô tận.Hành vi lưu manh côn đồ của hắn có mấy biểu hiện:Hắn đập đầu, rạch mặt, đe doạ, ăn vạ, tống tiền bọn cường hào mà tiêu biểu là Bá Kiến.
Đối với dân làng, hắn là con quỷ dữ giết người không gớm tay. Dân làng ai cũng sợ hắn. Hắn lại bị bọn cường hào lợi dụng để thanh trừng lẫn nhau. Bá Kiến có lần đã sai Chí đi đòi nợ Đội Tảo. Chí làm được việc, vênh váo ra về "Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta".
Với hình tượng Chí Phèo, Nam Cao đã nêu lên một hiện tượng khá phổ biến, có tính quy luật ở nông thôn Việt Nam xưa. Những người lao động lương thiện bị xã hội đẩy vào con đường cùng đã quay lại chống trả bằng con đường lưư manh để tồn tại. Trước Chí Phèo, làng Vũ Đại đã có Năm Thọ rồi Binh Chức. Sau khi Chí Phèo chết, hiện tượng đó chắc gì đã chấm đứt. Biết đâu lại có một Chí Phèo con ra đời trong cái lò gạch cũ?.
Điều chắc chắn là còn bọn cường hào ức hiếp dân lành, không cho họ đựoc sống lương thiện thì họ phải rơi vào con đường lưu manh, giành lấy miếng ăn, tức là bị huỷ diệt nhân tính và bị xã hội cự tuyệt quyền làm người. "Chí Phèo"đã làm nổi bật cái quy luật tàn bạo đó của xã hội cũ.