Tanizaki Junichiro (1886 – 1965) thiên tài văn chương người Nhật có một văn nghiệp đồ sộ. Ông được đánh giá là người kể chuyện có duyên nhất trong những cây viết tiền chiến. Văn chương Tanizaki vừa thâm trầm, cổ kính, vừa bóng bẩy, diễm tình, vừa trần trụi nhưng không kém phần tinh tế. Các tác phẩm chủ yếu của ông: "Xăm mình", "Truyện Shunkin", "Chữ Vạn", "Nhật kí già điên"...
***
Chuyện xảy ra hồi thiên hạ còn giữ được cái đức "Ngu"(1) đáng quý, thuở mọi người chưa nghĩ đến tranh danh đoạt lợi như bây giờ. Cuộc đời lúc đó mới nhàn tản làm sao! Để khuôn mặt các nhà quyền quý và đám vương tôn công tử không vương lấy một bóng mây tư lự, để những trận cười của các nàng hầu trong phủ đệ và đám gái buôn hương không bao giờ biết dứt, chỉ cần biết uốn ba tấc lưỡi giúp vui như các chú hầu trà và kép diễn cũng thành một thứ nghề được đời trọng vọng. Bản tuồng hát và tiểu thuyết kiếm hiệp có phụ bản bằng tranh đương thời như Nữ-Sadakurô, Nữ-Jiraiya và Nữ-Narukami(2) đều cho ta thấy người đẹp là kẻ mạnh, người xấu xí là kẻ yếu. Không ai là không ra sức làm đẹp, thậm chí họ đã đem xăm những bức họa lên cái thân thể trời cho. Vào thời đó, trên da thịt người ta là cả một cuộc khiêu vũ của những tập hợp màu sắc và đường nét, hoặc đậm đà hoặc rực rỡ.
Khách lui tới những chốn ăn chơi chỉ chịu lên kiệu mấy tên phu có hình xăm đẹp. Chị em ta dưới xóm Yoshiwara hay Tatsumi mê mẩn mấy cậu trai có bức họa nổi thật khéo trên người. Đừng nói chi bọn máu mê hay lính cứu hỏa, từ đám thương nhân đến hàng võ sĩ, ai ai cũng khoái thích chàm lên người. Đôi khi, trong các kì họp của Hội xăm mình tổ chức ở Ryôgoku(3), người dự hội thường lấy tay vỗ vỗ lên chỗ xăm, khi thì để khoe một mẫu hình đẹp, khi thì để phẩm bình qua lại với nhau.
Dạo đó có một gã thợ xăm mình có hoa tay tên gọi Seikichi. Tài của y vốn không thua gì những bậc sư phụ trong nghề kể cả Charibun miệt Asakusa, Yatsuhei xóm Matsushima hay bọn Konkonjirô. Dưới mũi bút họa của Seikichi, chỉ cần một thoáng là da thịt của hàng chục khách nhân đã trải ra như gấm vóc. Nhiều hình xăm mà anh chàng là tác giả từng được trầm trồ ở Hội xăm mình. Trong khi Darumakin sở trường về lối chấm phá đậm nhạt, Karakusa Gonta được đời xưng tụng là bậc kì tài về lối xăm son, Seikichi ta nổi danh vì những mẫu hình kì quái và những nét xăm kiều diễm của y.
Seikichi trước kia chuộng họa phái Toyokuni-Kunisada(4) và đã sinh sống bằng nghề vẽ tranh Ukiyo-e(5) nên ngày nay tuy rơi xuống hàng thợ xăm mình, y vẫn giữ được chút lương tâm và cái nhạy cảm của người họa sĩ. Y không bao giờ chịu đặt cây kim xăm trên một làn da, một thân hình không có sức thu hút mình. Nhiều lúc, khách tuy đã được y thuận xăm cho, ngoài việc vâng theo một mẫu họa và món tiền lễ nào đó mà y tùy hứng phán ra, còn phải chịu thêm sự đau đớn của đầu mũi kim xăm, một cực hình kéo dài hàng một, hai tháng.
Trong lòng người thợ xăm hình trẻ tuổi này, từ lâu chôn giấu một khoái cảm và một khát vọng thầm kín. Khi đường kim của y gây ra những vết phồng tấy trên da và làm ứa những giọt máu đỏ tươi, hầu hết khách hàng, cho dầu là đàn ông chăng nữa, đều rên rỉ vì không chịu nổi sự đau đớn. Hễ khách hàng càng rên xiết bao nhiêu, độ khoái cảm khó tả của y lại tăng bấy nhiêu. Seikichi đặc biệt thích lối xăm chấm phá và xăm son vì đó là hai lối xăm gây đau đớn nhiều nhất. Khách, sau khi mỗi ngày đã chịu trung bình hàng năm, sáu trăm mũi kim, còn phải tắm nước nóng cho ăn màu, ra khỏi bồn đều ngã quỵ dở sống dở chết dưới chân Seikichi, hồi lâu vẫn không lê mình nổi nửa bước. Ngay trước cảnh tượng thảm thương như vậy, mắt y lúc nào cũng chỉ ném một tia nhìn lạnh lùng:
– Cha chả, coi bộ đau đấy chứ nhỉ?
BẠN ĐANG ĐỌC
Xăm mình
Short StoryTanizaki Junichiro (1886 - 1965) thiên tài văn chương người Nhật có một văn nghiệp đồ sộ. Ông được đánh giá là người kể chuyện có duyên nhất trong những cây viết tiền chiến. Văn chương Tanizaki vừa thâm trầm, cổ kính, vừa bóng bẩy, diễm tình, vừa tr...