Tôi là con người của khoa học cho nên tôi thường ít để ý đến các tín ngưỡng như phật giáo hay các tôn giáo khác. Nhưng từ khi nghe ca sĩ Khánh Ly hát bài "Cát bụi" thì tôi bỗng giật mình. Dường như là mình đã bỏ sót một cái gì đó rất gần gũi nhưng cũng rất sâu lắng. Từ đó, tôi rất thích quan tâm và tìm hiểu tôn giáo cũng như các giá trị tinh thần. Chúng dần dần trở nên thân thuộc như chính con người của mình vậy. Mà không thân thuộc sao được khi nghe:
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi.
Để một mai vươn hình hài lớn dậy.
Ôi cát bụi tuyệt vời,
Mặt trời soi một kiếp rong chơi.
Đã có lúc chúng ta tự đặt câu hỏi "chúng ta từ đâu tới?" Theo cách suy nghĩ của khoa học thì loài người phát xuất từ một loài cấp thấp hơn đó là vượn người trải qua hàng triệu năm tiến hóa mà thành. Vậy thì "vượn người phát xuất từ đâu" ? Cứ như thế ta sẽ đi đến khởi nguyên của các loài.
Trịnh Công Sơn đã có một hình ảnh giải thích nguồn gốc cho ông mà cũng là cho chính chúng ta, đó là "hạt bụi". "Hạt bụi" được hình thành từ khi cơ duyên cha và mẹ gặp nhau, nên vợ nên chồng và sinh ra ta. "Hạt bụi" là sự đơm hoa kết trái của tinh cha huyết mẹ. "Hạt bụi" được bàn tay cha mẹ và của những người thân nuôi nấng, lớn lên và trưởng thành.
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi.
Câu hát như nói đến một tương lai khổ cực đang chờ đón chúng ta. Người ta thường nói đến từ "kiếp" với nghĩa, đó là thân phận của con người, coi như một định mệnh, một sự đầy ải. "Kiếp thân tôi", chỉ chừng đó thôi cũng đã nói lên thân phận của con người là đớn đau, là mất mát.
Ôi cát bụi tuyệt vời,
Mặt trời soi một kiếp rong chơi.
Ở đây người nhạc sĩ đã có một câu hát rất tài hoa "Ôi cát bụi tuyệt vời". Câu hát này là một lời ngợi khen. Theo triết lí nhà phật, thì trong cái vô thường có cái chân thường. Trong cái tối tăm thì cũng có những cái tươi sáng. Kiếp người trên đời cũng chỉ là "kiếp rong chơi", là tạm bợ, tức không có gì vững chắc, thay đổi liên tục nhưng không có nghĩa là không đáng sống. Ở đây, người nhạc sĩ đã sử dụng một loạt hình ảnh tương phản như "hạt bụi hóa kiếp thân tôi" với "cát bụi tuyệt vời" hay "mặt trời" với "kiếp rong chơi" để làm nổi bật lên cái khổ đau cũng như cái hạnh phúc của một đời người.
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi.
Để một mai tôi về làm cát bụi.
Ôi cát bụi mệt nhoài,
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi.
Dù chúng ta là người như thế nào đi chăng nữa thì sau này chúng ta cũng chỉ là cát bụi mà thôi. Hai câu thơ đầu của khổ thơ làm tôi nhớ đến câu hát trong bài "Trở về cát bụi" của nhạc sĩ Minh Kì.