CHÚ Ý: Nhật ký thời chiến với sinh ly tử biệt, xin viết thành sinh tử văn gia đình hạnh phúc. Mình chỉ viết từ viết mới hoàn toàn từ chương 6, các chương trước chỉ sửa và đặt tiêu đề.
Không hề có ý bất kính, xin mọi người lượng thứ. Ai không thích xin quay lại ngay.Trong phòng ẩm ướt, mái nhà nhỏ những chỗ dột nước cứ rỏ xuống từng hạt chầm chậm. Miền trung đang bước vào mùa mưa, về đêm lại càng lạnh, cũng đã mấy ngày rồi, mưa không lớn nhưng không ngớt, trời cứ mưa, mưa....
Thức dậy sau giấc mộng dài, người đàn ông bải hoải nhìn về phía cửa sổ. Trời sáng rồi nhưng sẫm màu và cô quạnh, không ánh nắng, không hy vọng. Cũng đã mười năm hòa bình lập lại trên mảnh đất này nhưng Tuân chẳng tìm đâu được một chỗ để linh hồn tàn rỗng này náu lại. Để rồi mỗi đêm, anh lại mắc kẹt trong tiếng bom đạn và những kỉ niệm đã xa xăm. Để rồi mỗi ngày, anh lại đợi chờ một người trong thầm lặng.
Có những chuyện đã cố chôn vùi thật sâu nhưng vào một ngày mưa qua khung cửa mục, nhìn những hạt nước đan thành tấm lưới phủ xuống, Tuân không lý giải được vì sao mình lại nhớ về Vĩnh, về tiểu đội của anh, và rất nhiều những đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến đó.
Anh còn nhớ cái hồi năm 71 cũng có độ trời mưa như vậy nhưng lạnh hơn, lúc ấy Tuân đang làm tiểu đội trưởng, tiểu đội của anh dựng lán ở chân núi vài hôm. Mấy đêm liền không biết có phải do trời se lạnh nên khó ngủ không, hay vì linh tính, anh cứ tỉnh dậy vào giữa đêm, phát giác được điều gì đó nhưng Tuân làm thinh. Có vài đêm trở người, anh lại nghe tiếng người len lén bước ra khỏi lán. Chỗ này không xa có một ngôi làng, bọn họ đi không nói với anh một tiếng, chắc cũng vì sợ bị cấm. Nghĩ rồi Tuân nhắm chặt mắt lại, tự nhủ rằng mình không biết chuyện gì, quay người vào trong, thổn thức nhớ đến nhiều chuyện cũ.
Chiều ngày hôm sau thì ngớt mưa, Tuân tìm một tảng đá lớn cạnh lán rồi ngồi đó một mình, trong lán vẫn nghe tiếng Thanh và Thịnh cãi nhau với đám còn lại rồi cười ha hả. Anh không nghĩ gì cả, chỉ lặng yên thôi. Trước đây Tuân không như thế này, anh cũng có thời trẻ nhiệt huyết ra trận vì lý tưởng, cũng biết vui đùa cùng đồng đội, ấy thế mà chiến tranh với sức hủy diệt kinh khủng của nó đã khiến lòng Tuân biến dạng, Tuân ghét cái thế cuộc này vô cùng. Nhất là sau khi tiểu đội trưởng cũ của anh chết, Tuân chuyển đến đơn vị này toàn những người mới tầm 20 mơn mởn sức trẻ, Tuân cảm thấy mình như lạc, anh dần ít nói hẳn đi, trở thành thằng lính già trong đơn vị cục cằn, khó gần, chỉ nói chuyện bằng súng đạn với kẻ thù và có những khi lao lên bắn nhau như không thấy địch có vũ khí. Cứ ngỡ chắc không mấy người mặn mà với tính cách này của anh, mấy đồng chí trong kia thấy xa cách hơn là sợ hãi, thế mà bầu không khí lặng lẽ tới nhàm nhạt của Tuân cũng bị phá vỡ bởi một cậu lính mới vào gia nhập đơn vị tháng trước.
- Lúc em mới vào tiểu đội ta, mọi người nói với em chúng ta có một khúc gỗ là đội trưởng.
Vĩnh ngồi cạnh Tuân, nói như vu vơ, cậu là người Hà Nội, năm nay mới 19, là người trẻ tuổi nhất trong đơn vị. Nghe nói xuất thân sinh viên, được ăn học đàng hoàng chứ không phải thả cuốc cầm súng ra trận như Tuân. Có mấy đêm nằm trên võng thao thức nhưng vờ ngủ, Tuân vẫn nghe cậu đọc mấy bài thơ kháng chiến cho các đồng chí, phải công nhận rằng giọng Hà Nội rất dễ nghe, mà càng nghe nhiều càng thích.
BẠN ĐANG ĐỌC
Nhật ký thời chiến
RomanceNhật ký thời chiến với sinh ly tử biệt, xin viết thành sinh tử văn gia đình hạnh phúc. Mình chỉ viết từ viết mới hoàn toàn từ chương 6, các chương trước chỉ sửa và đặt tiêu đề. Không hề có ý bất kính, xin mọi người lượng thứ. Ai không thích xin đừn...