Ly đen đá đã vơi quá nửa, dòng người hối hả, bận bịu với những công việc thường ngày đua nhau chen chúc trên con đường chật chội vụt qua trước mắt tôi. Trong lúc chậm rãi thưởng thức cái vị đăng đắng mà thoang thoảng hương thơm của hạt cà phê rang, thoáng qua trong mắt tôi hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi đang lay một người trẻ bên trong chiếc xe cứu thương, tiếng còi hụ vang đến inh tai lao vội vã qua dòng người trên đường, bất chợt tôi lại nhớ đến lời của ông lão chạy xe cấp cứu cho một bệnh viện nọ ở cùng xóm với tôi:
"Cái tiếng còi inh ỏi đó nó có cảm xúc của riêng nó, đôi khi nó phải thật vội vã, ồn ào nhưng sẽ thật buồn khi nó lặng lẽ, chậm rãi lăn bánh đưa người phía trên lần cuối, chính vì thế nên người ta mới mặc nhiên xe cứu thương phải thật hối hả, ồn ào...".
***
Sáng mùng một đầu năm, người người nhà nhà vẫn còn cố níu bản thân lại trên chiếc giường, ánh nắng ban mai dịu dàng đậu trên những tán lá, ông trầm ngâm nhìn chiếc xe cứu thương, tiếng lách cách của đá va vào thành ly cà phê gần cạn. Trong lúc ông mải mê đắm chìm trong những suy nghĩ vu vơ, bất chợt tiếng chuông điện thoại vang lên phá tan bầu không khí ưu tư, giọng nói gấp gáp hấp tấp từ đầu dây bên kia:
- Chú Tài, lái dùm con chiếc xe đón bệnh nhân ở địa chỉ XX Huỳnh Văn Bánh, ca này nguy kịch, gấp nha chú!
Nghe tiếng cúp máy, ông vội vàng buông ly cà phê xuống đất rồi nhanh chóng lên xe, tiếng máy nổ giòn vang dội cả một góc bệnh viện, chiếc xe băng qua cổng, hoà vào dòng người đông đúc trên đường.
Dừng trước nhà bệnh nhân, cửa sau xe mở ra, phụ tá ùa xuống kéo theo chiếc băng ca vào trong nhà. Ông nghe thấy tiếng người mẹ khóc nức nở, tiếng bánh xe đưa theo người nằm trên đó lao nhanh ra ngoài. Là một cậu thanh niên chạc tuổi cháu ông đang nằm thoi thóp. Cánh cửa đóng lại. Ông lao vào trong ca-bin, còi hú lại một lần nữa vang lên, chỉ trong thoáng chốc đã ùa vào dòng xe vội vã ngoài kia. Những âm thanh ồn ào liên tục phát ra từ phía sau:
- Đừng bỏ mẹ, con ơi!
- Chuẩn bị máy sốc, bệnh nhân có dấu hiệu ngưng tim!
Tiếng nức nở của người mẹ, giọng nói của phụ tá, tiếng "xẹt" phát ra từ máy sốc điện.
- Sốc lần 1!
- Sốc lần 2!
Trong lúc hỗn loạn, chiếc xe cứu thương phi nhanh qua cổng bệnh viện, người thanh niên rũ rượi, quần áo xộc xệch nằm trên băng ca, ngực vẫn còn hằn vết đỏ của những lần sốc điện, cậu ta nhanh chóng được đưa vào phòng cấp cứu, ánh đèn đỏ sáng lên được một hồi thì vụt tắt. Bác sĩ bước ra kèm theo cái lắc đầu hướng về phía người đàn bà đang chờ trên băng ghế:
- Chúng tôi đã cố gắng hết sức...
Câu nói thoáng qua như sét đánh ngang tai, vò đầu rồi bứt tóc, nước mắt vỡ oà trên cái gò má nhăn nhúm sạm đen, trong lúc suy sụp, một tờ giấy trắng vô tình rơi ra khỏi túi, bà chợt nhớ khi còn trên xe, lúc con trai đang co giật sau mấy lần sốc điện, mẩu giấy đã rớt ra từ túi áo sơ-mi:
"Mẹ à, có thể con không qua khỏi, đấy là chuyện tất yếu. Con đã sử dụng quá nhiều tình thương từ ba mẹ, khi mẹ đọc bức thư này, chắc hẳn con đã không qua khỏi, con mong muốn rằng sau khi con mất đi, mẹ hãy thay con làm thủ tục hiến tạng cho bệnh viện để con có thể tặng một cuộc đời cho một người khác."
Tay bà run run chìa mảnh giấy ra cho bác sĩ, đó là di nguyện cuối cùng của con trai bà. Ánh nắng chiều gay gắt rọi qua từng hàng cây, ngọn cỏ, ông hướng mắt nhìn theo băng ca đưa người nằm trên ngược ra lại phía sau xe, không còn tiếng nức nở hay ồn ào. Chiếc xe lặng lẽ, khẽ khàng, chậm rãi dọc theo con đường, từ cổng bệnh viện, chiếc xe cứ xa dần, xa dần, mờ nhạt rồi biến mất sau màn sương của buổi chiều Sài Thành.
Mỗi câu chuyện trên chiếc băng ca phía sau xe cấp cứu là những cuộc đời, đôi khi người nằm trên băng ca là một người bệnh nhưng đôi khi nó cũng là một người trẻ vì một lý do nào đó mà chọn từ bỏ như một giải pháp để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Dù thế nào đi nữa họ đã tự quyết định con đường cho bản thân.
***
- Chú là người của thế kỉ trước, làm sao có thể hiểu được "trào lưu từ bỏ cuộc sống" của giới trẻ thế kỉ này.
Tiếng cười khanh khách cùng giọng nói khàn khàn của ông lão vang lên chợt kéo tôi thoát khỏi dòng suy nghĩ mơ hồ, ly đen đá đã cạn, ánh nắng cũng đã tắt, tôi vẫn tự hỏi:
- Nếu giải pháp họ chọn là khôn ngoan, thì...
@Giò Văn Heo.