Việt Nam sau hai năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới
Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 11-1-2007 là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Những thành tựu đạt được trong hai năm qua cho thấy, việc Việt Nam tham gia vào WTO là phù hợp với thực tế khách quan và xu thế hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc trên thế giới hiện nay. Trên tinh thần chủ động hội nhập, cùng với việc tham gia Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA), Thỏa thuận ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc,... thực hiện các thỏa thuận song phương như Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện với Nhật Bản, tham gia các diễn đàn hợp tác kinh tế liên khu vực ASEM, APEC, Việt Nam đã thật sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Ngay sau khi gia nhập WTO, chúng ta cũng đã bắt tay vào xây dựng Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế. Ngày 5-2-2007, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/T.Ư về "Một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO". Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngànhvà địa phương cũng đã ban hành các Chương trình hành động theo các định hướng lớn của Ðảng.
Ðể thực hiện nghĩa vụ thành viên WTO, Việt Nam đã tiến hành điều chỉnh chính sách thương mại theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn, ban hành nhiều luật và các văn bản dưới luật để thực hiện các cam kết đa phương, mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, cũng như các biện pháp cải cách đồng bộ trong nước nhằm tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập.
Mặc dù thời gian hai năm chưa đủ để có thể đánh giá toàn diện những tác động kinh tế - xã hội của việc gia nhập WTO, nhưng chúng ta cũng có thể thấy một số kết quả tích cực như sau:
Thứ nhất, việc gia nhập WTO đã góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế về kinh tế, chính trị, ngoại giao,... Các đối tác kinh tế, thương mại đánh giá Việt Nam như là một đối tác quan trọng và giàu tiềm năng của khu vực Ðông - Nam Á. Vai trò của nước ta trong các hoạt động của WTO, ASEAN, APEC, ASEM và các tổ chức quốc tế ngày càng được nâng cao. Ðặc biệt, việc trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009 đã chứng tỏ uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam.
Thứ hai, việc điều chỉnh thể chế kinh tế, hoàn thiện từng bước khung pháp lý, xóa bỏ các rào cản và nâng cao tính minh bạch trong chính sách kinh tế, thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh đã làm tăng hiệu quả và thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững hơn. Mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, tiền tệ toàn cầu, nhưng GDP năm 2008 của nước ta vẫn tăng trưởng ở mức 6,23%, xuất khẩu vẫn bảo đảm nhịp độ tăng trưởng khá: Năm 2007, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 48,56 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2006; Năm 2008, dù đa số các thị trường lớn rơi vào suy thoái nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn rất đáng khích lệ, ước tính đạt khoảng 63 tỷ USD, tăng 29,5% so với năm 2007. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã đa dạng hơn và hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập tốt hơn, đứng vững hơn trong các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU,...