Ngày còn bé có một lần tôi bị ngã xuống ao.
Nó là một cái ao lớn trong vườn nhà bà tôi, nơi tôi dành phần lớn thời gian của tuổi thơ mình để sinh sống. Nhà bà bây giờ sửa sang lại, đường đi đều có gạch lát rất chỉn chu sạch sẽ. Nhìn vào hoàn toàn không nghĩ rằng trước đây nó là một cái vườn um để tùm cây cối, cỏ dại còn mọc quá cả đầu tôi. Buổi sáng thì không sao, nhưng cứ hễ tối đến là trông khu vườn nhà bà chẳng khác nào mang cả cánh rừng đặt vào trong nó. Vườn nhà bà tối lắm, lại còn u uất, vậy nên ngày bé bà luôn dặn rằng tôi không được đi ra vườn nếu chưa có sự đồng ý và giám sát từ bà.
Đương nhiên, nhắc nhở không phải là biện pháp duy nhất bà sử dụng để cảnh tỉnh tôi.
Với tư cách là một nhà giáo mẫu mực và tiêu chuẩn trong suốt hơn 30 năm cuộc đời, bà tôi biết chính xác bản thân cần làm gì để ngăn ngừa những hành động thiếu máu lên não của tôi. Và bà tôi chọn cách dễ dàng nhất, đánh vào nỗi sợ của một đứa trẻ vừa lên 5.
Cái thuở xưa xửa xừa xưa, khi đám trẻ con trong xóm nhà bà còn cởi truồng tắm mưa mà tôi đã được quán triệt là không nên làm theo bởi vì rất mất thẩm mĩ ấy, thay vì được nghe kể những câu truyện cổ tích như kiểu Bạch Tuyết và Bảy chú lùn, Lọ lem, Nàng Tiên Cá phiên bản Disney, hay mấy truyện dân gian kiểu Sọ Dừa, Tấm Cám, Thạch Sanh,... thì bà kể cho tôi nghe truyện kinh dị. Thực ra cũng không hẳn là kinh dị, nói đúng hơn là truyện thực tế, truyện truyền miệng, truyện cổ Grimm. Mà truyện cổ Grimm thì, mọi người biết rồi đấy, không phải là một phương án phù hợp để nuôi dưỡng tâm hồn non nớt của trẻ em.
Và thế là, từ hồi đám trẻ con trong xóm vẫn còn mơ mộng về việc Ariel mọc chân và sống với hoàng tử hạnh phúc suốt phần đời còn lại, thì tôi đã biết rằng thực ra hoàng tử không yêu nàng tiên cá, hắn cưới một công chúa nước láng giềng và sống hạnh phúc trong tiền và quyền, còn nàng tiên cá thì chết vì lời hứa rằng nếu hoàng tử không yêu nàng thì nàng sẽ tan thành bọt biển.
Tôi còn biết rằng thực ra thì đoạn kết của truyện Tấm Cám không phải là dì ghẻ ngã cây cau mà chết mà là do ăn thịt con gái mình. Truyện cơ bản là như thế này:
Tấm sau mấy lần chết hụt thì quay về kinh thành, an an ổn ổn sống thư thái trong sủng nịnh của nhà vua. Mẹ con Cám thấy thế, lòng không khỏi như lửa đốt. Có một ngày, Tấm gọi Cám đến với lí do rằng chị em lâu ngày chưa gặp mặt, Tấm nhớ em gái. Cám được chị gọi tới thì mừng húm, đương nhiên là ăn diện lồng lộn với hy vọng lọt vào mắt xanh của vua thêm lần nữa. Nhưng đến nơi thì chẳng có vua nào cả, chỉ nhìn thấy Tấm, giờ đã là hoàng hậu quyền cao chức trọng, sắc có tiền có, hơn nữa còn không phải cái bộ dạng lấm lem như ngày còn ở với hai mẹ con nhà Cám, mà giống như rũ bỏ tấm áo cũ, trắng trẻo hồng hào. Cám thấy thế thì thắc mắc lắm, nó hỏi chị Tấm rằng chị ăn gì mà trắng thế. Tấm nghe đến đây thì đon đả bảo rằng, "Có muốn đẹp không để chị giúp". Cám bằng lòng ngay. Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố. Đương nhiên điều gì đến cũng phải đến, mọi sự ngu dốt đều phải trả giá đắt, Cám chết chín trong nồi nước sôi Tấm tự tay dội xuống, da thịt đều róc ra cả. Tấm lấy thứ xác thịt ấy, ủ trong một hũ mắm.