Mẹ thích câu chuyện của mình ư? Cô thầm nghĩ, lòng đầy xúc động. Cô biết rằng câu chuyện của mình không thú vị đến thế; chỉ là cách nói chuyện của cô với mẹ đã thay đổi sau những trải nghiệm của cô ở Thư viện chữ nổi. Từ khi lên thành phố, cô lúc nào cũng nói chuyện với mẹ với thái độ cau có. Cô hay cãi trả mẹ, "Mẹ thì biết gì chứ?" Cô hay quở trách, "Sao mẹ là mẹ mà lại đi làm thế?" Cô cũng thường trả lời một cách lạnh lùng, "Mẹ biết chuyện đó làm gì?" Biết mẹ không còn hơi sức đâu để la mắng nên nếu mẹ hỏi, "Con đến đó làm gì vậy?" cô sẽ trả lời cụt lủn, "Vì con phải đến." Thậm chí khi cô phải đi máy bay vì sách của cô được xuất bản ở nước khác hoặc cô cần ra nước ngoài dự hội thảo, nếu mẹ hỏi, "Con đến đó làm gì vậy?" cô cũng sẽ lấy giọng công việc để trả lời, "Bởi vì con có công có việc cần quan tâm mà mẹ." Mẹ bảo cô đừng nên đi máy bay nữa. "Nếu tai nạn xảy ra sẽ có hơn hai trăm người cùng thiệt mạng đấy." "Có việc thì vẫn phải đi chứ mẹ," cô đáp gọn. Nếu mẹ hỏi, "Sao con nhiều việc thế?" Cô sẽ ủ rũ trả lời, "Thôi mà mẹ, con biết rồi." Cô cảm thấy thật khó khăn khi nói chuyện của mình với mẹ. Những việc cô làm dường như không liên quan gì đến cuộc sống của mẹ.
Nhưng khi cô kể về cảm giác hoang mang lúc nhìn thấy quyển sách chữ nổi và nỗi hốt hoảng khi đứng trước hơn bốn trăm người khiếm thị, mẹ cô chăm chú lắng nghe như thể cơn đau đầu của mẹ đã tiêu tan. Lần cuối cùng cô tâm sự với mẹ về một chuyện gì đó xảy ra với mình là bao giờ? Nhiều năm nay, những cuộc nói chuyện giữa cô và mẹ đã trở nên hết sức đơn giản. Thậm chí hai mẹ con hiếm khi nói chuyện trực tiếp mà chỉ thường nói qua điện thoại. Câu chuyện của cô chủ yếu chỉ xoay quanh những việc như mẹ ăn gì, mẹ có khỏe không, bố dạo này ra sao, mẹ cẩn thận kẻo bị cảm, cô đã gửi tiền cho bố mẹ... Mẹ thì nói đến những việc như mẹ đã muối kim chi gửi lên thành phố, mẹ hay gặp ác mộng ban đêm, mẹ đã gửi gạo, gửi xì dầu cho cô, hay mẹ đã chế biến ích mẫu thảo gửi cho cô, thế nên cô đừng tắt điện thoại vì người đưa bưu phẩm sẽ gọi điện trước khi mang mấy gói đó đến.
Quyển sách vốn chỉ có một tập của cô khi chuyển sang chữ nổi lại thành ra bốn tập. Cầm cái túi giấy đựng mấy quyển sách đó, cô chào tạm biệt mọi người tại Thư viện chữ nổi, và cô vẫn còn hai tiếng trước chuyến bay về Seoul. Cô nhớ lại khi đang đứng trên sân khấu, để tránh những cặp mắt của họ, cô đã nhìn ra con đường đầy tuyết ngoài cửa sổ và thấy những con tàu lớn nhỏ đang buông neo ở bến cảng. Cô nghĩ có bến cảng ắt phải có chợ hải sản. Cô bắt taxi và bảo tài xế đưa cô ra chợ hải sản. Mỗi khi đến những thành phố khác, nếu có thời gian cô rất thích đi lòng vòng trong chợ để ngắm nghía mọi thứ. Dù là ngày giữa tuần nhưng chợ rất ồn ào đông đúc. Bên ngoài chợ, cô đứng xem hai ngư dân đang cắt khúc một con cá to đùng. Thấy con cá to quá, cô hỏi người bán hàng đó có phải là cá ngừ không. Người bán hàng trả lời đó là cá thái dương. Cô chợt nghĩ đến nhân vật nữ chính trong một tác phẩm văn học nào đó mà cô không nhớ nhan đề. Sinh ra ở một thành phố ven biển, cứ mỗi khi buồn phiền cô ấy lại tìm đến công viên đại dương đồ sộ và tráng lệ tại công viên trung tâm thành phố để trò chuyện với con cá thái dương đang bơi trong đó. Nhân vật đó thổ lộ với con cá thái dương rằng mẹ cô đã lấy hết số tiền tiết kiệm của cô rồi bỏ đi cùng một chàng trai trẻ đến thành phố khác. Trong suốt thời gian qua, cô ấy đã trách móc và oán giận mẹ nhưng thực lòng cô ấy vẫn rất nhớ mẹ. Cô ấy không nói được điều này với bất cứ ai, chỉ có thể nói cho con cá thái dương nghe. Cô băn khoăn không biết con cá trong truyện cổ giống con cá thái dương kia không? Thấy cái tên "thái dương" thật đặc biệt, cô bèn hỏi không biết đó có phải là tên thật của loài cá này không. Người bán hàng nói mọi người ở đây còn gọi nó là Mola mola. Ngay khi nghe thấy từ Mola mola, tâm trạng căng thẳng nặng nề khi ở Thư viện chữ nổi trong cô mới được giải tỏa. Vì sao cô lại nghĩ đến mẹ khi đang đi tha thẩn giữa những quầy hải sản tươi sống giá rẻ hơn ba lần so với ở Seoul bày bán đủ chủng loại, nào là bạch tuộc sống đầu to hơn đầu người và bào ngư tươi rói, nào là cá bao kiếm, cá thu và cua biển? Có phải chính con cá thái dương đã gợi cô nghĩ đến mẹ khi đi trong chợ hải sản? Cô nhớ lại cảnh cùng mẹ làm cá đuối ngoài giếng để chuẩn bị cho lễ cúng tổ tiên vào tất niên. Bàn tay mẹ lạnh cóng khi bóc lớp da đóng băng dính chặt cứng quanh mình con cá. Cô dừng lại trước cửa hàng có treo một con bạch tuộc đã luộc chín to bằng thân một đứa trẻ và mua một con bạch tuộc còn sống với giá mười lăm nghìn uôn. Cô còn mua thêm mấy con bào ngư vì nghĩ dù là bào ngư nuôi nhưng chúng chỉ ăn tảo bẹ biển và tảo nâu biển. Khi cô nói sẽ mang về tận Seoul, người bán hàng đề nghị cho tất cả vào một hộp giữ lạnh có giá hai nghìn uôn.