Lưu Trí Mẫn hai mươi bảy tuổi, hết hai mươi hai năm sống không rời thủ đô, nhà đúng là mặt phố nhưng bố thì không làm to lắm, duy được cái từ bé sống như công chúa không thua con gái ông bố làm to nào. Mới oe oe khóc trộm vía đã trông rất xinh xắn, đầu ngõ cuối phố không ai là không biết con gái thầy Lưu sắc nước hương trời, năm mười tám chẳng bán sống bán chết cãi nhau ầm trời với bố mẹ không khéo trường F nào đó trên phố Chùa Láng lại có thêm một cô hoa hậu. Thầy Lưu thích con gái học trường F lắm, không trường F cũng phải trường D cách đó vài mét chứ đời nào thầy ngờ được cô út nhà mình thế mà lại tót sang tận UTC làm kỹ sư cầu đường.
Một nhà bốn người có ba người họ Lưu thì hết hai người làm viên chức nhà nước, mỗi cô út Lưu Trí Mẫn xinh đẹp, ngoan ngoãn bé đến lớn chưa cãi lời bố mẹ câu nào, thế mà đến lúc cãi suýt dọa cho cả thầy Lưu lẫn vợ đột quỵ.
Thầy Lưu buồn, nhưng thầy bảo thủ, người gốc Hà thành mà, có tí gia trưởng trong máu nó mới truyền thống, thầy bảo cô Mẫn "sướng cô hưởng khổ cô tự chịu bố không quan tâm'" nhưng ngày cô Mẫn nhập học, thầy vẫn một hai bảo cô chọn trường thế là dở, đến lúc thi lại đừng có về ăn vạ thầy. Cô Mẫn, Lưu Trí Mẫn, mặt y một khuôn đúc với thầy Lưu, cứng thì cứng đấy nhưng người Hà Nội nào mà chẳng có tí hèn trong người, cô cũng lo lắng chứ, cô lo học không được một mà lo chán mười. Lưu Trí Mẫn xưa nay thích cái gì cũng không quá ba tháng, nói chung là thuộc tuýp người không chung thủy lắm.
Bốn năm học ở trường U, trộm vía cô chán mỗi hai năm đầu, sang năm ba cô vẫn chán nhưng cô nhẩm đếm cô cũng hai mươi mốt rồi, hai mươi mốt là cái độ mà đứa sinh viên nào cũng tự biết tương lai của nó nằm trong tay chính nó chứ chả phải ai, thế là cô quyết thôi thì học cho nghiêm túc. Hai năm đầu cô học không nghiêm túc, GPA lẹt đẹt mãi ở mức ba chấm năm, cao hơn tám mươi phần trăm sinh viên trường U, sang năm ba cô học nghiêm túc, GPA cũng phiên phiến gần bốn chấm, chả bố con thằng nào đọ lại cô. Lưu Trí Mẫn tốt nghiệp với tấm bằng loại xuất sắc trên tay, vài năm đi thực tập trên công trường cũng bị nắng sương hun cho đen sạm đi, không còn bé xinh trắng trẻo như xưa nữa.
Ngày cô nhận bằng tốt nghiệp, thầy Lưu cũng đến, thầy Lưu là giảng viên trường Lờ, trường Lờ thì gần trường U cô Mẫn học, thầy bảo cô út nhà mình là thầy vừa hết tiết dạy mới ghé qua một chút chứ đến giờ thầy cũng chưa thấy cô quyết định đúng đắn tí nào. Lưu Trí Mẫn chỉ phì cười, thầy Lưu mặt bí xị nhưng ngồi dưới hội trường vẫn dùng con IPhone 14 Pro Max nháy cô Mẫn lia lịa, cô Mẫn biết ý nhìn thẳng vào camera thầy tạo vài kiểu thế mà thầy lại giận. Chả hiểu thầy Lưu làm sao?
Đời người có nhiều cột mốc đáng nhớ, với cô Mẫn, là nhiều cột mốc khiến nhị vị phụ huynh đau tim. Lưu Trí Mẫn cầm bằng liền tay, vali đã chất đống chuẩn bị vào Thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Thầy Lưu vừa chấm thi vấn đáp môn Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật trên trường, bước vào nhà nhìn con gái rượu tay xách nách mang đòi Nam tiến suýt chết thì đứng, bỗng nhiên thấy việc hôm nay mình thẳng tay đánh 50 con 1 là quá nhẹ nhàng.
Vợ thầy Lưu, mẹ Lưu Trí Mẫn thì khỏi phải nói, khóc hết nước hết cái từ đầu ngày. Lưu Trí Mẫn cũng buồn, hai mươi hai năm có lẻ sống ở thủ đô chứ đâu ít gì, nhưng nếu cứ ở thủ đô mãi thì phí phạm biết bao. Thế là cô Mẫn kéo vali đi thẳng, cứ như sinh viên Hà Nội năm bảy mươi, xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, đầu không ngoảnh lại dù vẫn biết sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.