Tôi sinh ra tại một bãi rác.
Không biết lần đầu tiên tôi mở mắt ra, mẹ tôi đã bỏ đi đâu. Tôi cũng không nhớ rõ mình đã vượt qua cái giai đoạn đỏ-hỏn-và-mềm-oặt như thế nào. Những thứ tôi biết, là trong ký ức mập mờ của tôi có hiển hiện mênh mông một bãi rác.
Là một con chó bụi đời, tôi lang thang từ nơi này sang nơi khác, từ vùng quê hẻo lánh đến đô thị xa hoa. Trông thì thật ra chẳng có gì đặc biệt, mỗi ngày trôi qua cũng chỉ có vậy thôi: ăn vất vưởng, ngủ vất vưởng và đi vất vưởng. Nhờ sự hoang dại được trui rèn trong suốt quãng thời gian sống lang bạt, nên tôi không sợ hãi con người, (dù thật ra tôi vẫn cố hết sức có thể để không dây vào chúng trừ phi bất đắc dĩ). Những kẻ không phải đồng loại của ta có thể gây nguy hiểm cho ta – tôi nghĩ bất cứ ai cũng cần phải hiểu điều đó. Hoặc ít nhất cũng phải chuẩn bị sẵn cho mình một sự cảnh giác ở một giới hạn tương đối. Khinh suất có thể dẫn đến cái chết, đặc biệt là trong khi tôi hoàn toàn chỉ là một con chó nhỏ kêu ẳng ẳng sủa gâu gâu vô dụng trong mắt lũ con người.
Chó hoang cũng phải có niềm kiêu hãnh của chó hoang, tôi sẽ không khuất phục trước kẻ nào, dù là một kẻ thuộc tầng lớp động vật bậc cao gì gì đó.
Mỗi ngày tôi thường lượn lờ xung quanh các hàng thức ăn lề đường. Có khi là một xe hủ tiếu gõ ế đau thương trong con hẻm nhỏ xíu, có khi là quán cơm buổi sáng lúc nào cũng có khách tấp nập, hoặc có khi là một xe bánh mì trên phố. Đâu cũng được, miễn có thức ăn thừa dù chỉ là một mảnh, tôi cũng vét trọn. Mỗi khi có kẻ nào đó ăn xong và vứt một mẩu xương xuống chân, tôi cũng âm thầm len lỏi đến đấy, lén lút tha mẩu xương ra ngoài và nhanh chóng xử lý nó để xoa dịu cái dạ dày không bao giờ được lấp đầy của mình. Cũng có lúc tôi gặp may, khi mà trong số những con người đi ăn ở hàng, có người vì lý do nào đó mà bỏ mứa, thế là tôi được dịp hưởng hết đống thức ăn trên bàn. Tôi nhảy chồm lên, láo lếu chộp bất cứ thứ gì có khả năng bằng mõm của mình rồi nhanh chóng tháo chạy. Bọn con người thường giật mình trước hành động của tôi, sau đó gào lên mà mắng. Dù vậy lúc này tôi cũng đã lủi đi thật mau, không hề cho ai có cơ hội bắt được mình (mà tôi nghĩ chắc cũng không ai rỗi hơi muốn bắt tôi đâu).
Tôi hành động như thế này chỉ để có thể sống qua ngày, ngay cả nhu cầu được ăn cũng không thể được đáp ứng thì tôi cũng phải lao đầu vào chỗ nguy hiểm để cứu vớt mình thôi. Chỉ cần mỗi sáng sớm mở mắt ra vẫn còn nhìn thấy thế gian là tôi cũng đã đủ biết ơn rồi. Thế đấy, con chó hoang cũng được quyền biết sợ chết mà.
Một hôm, như mọi ngày, tôi đứng lấp ló gần một quán phở, nhòm ngó tình hình bên trong quán để cân nhắc xem có nhặt nhạnh được gì từ trong đó hay không. Cảm thấy khả quan, tôi từ từ tiến lại, cố gắng nhẹ nhàng nhất có thể rồi thập thõm bước vào. Quán hơi vắng, chỉ có lác đác vài ba vị khách ngồi ở góc trong, lúc bấy giờ đang cặm cụi xì xụp bát phở của mình. Đương định bước tới chỗ mấy miếng thịt thừa vừa bị quăng xuống đất, bỗng một giọng nói ầm ĩ vang lên đột ngột khiến tôi thót mình vô thức lùi về sau:
"Con chó hoang!"
Một lão bặm trợn từ phía nhà bếp bước ra, chân giậm ầm ầm xuống đất, một tay chỉ thẳng vào mặt tôi quát. Các vị khách cũng giật bắn nhìn theo hướng tay của lão nhìn tôi dò xét, sau đó trở về ngay trạng thái ơ hờ, tiếp tục việc của mình. Tôi đánh hơi thấy điều không ổn, bèn tức tốc quay đầu bỏ chạy. Lão lúc này cũng nhanh chân đuổi theo ra đến trước cửa, vớ ngay vài hòn đá dưới chân, chọi liên tục về phía tôi.
Những hòn đá như mũi tên lao thẳng vào lưng, vào đầu, sượt qua tai, qua chân. Những hòn đá vô tri vô giác nên không hề biết thương xót. Chúng cứa vào da thịt, đau đến mức khiến tôi phải sủa lên thành tiếng. Và tôi chạy thục mạng. Lão ta liên tục quăng mấy hòn đá bất kể có trúng hay không. Lão chỉ muốn tấn công dồn dập, càng nhiều càng tốt, càng trúng lại càng hả hê, khoái chí. Vì trong thâm tâm lão tôi chỉ là một con chó đáng nguyền rủa, một con chó dơ bẩn và gớm ghiếc, nên ắt hẳn sẽ làm mọi cách để tôi phải tránh xa lão và cái quán phở của lão ra.
Lão không quan tâm. Dù cho cách đó có thể làm tôi bị thương.
Tôi trốn thoát được sau khi chạy hùng hục một lúc lâu để đảm bảo rằng mình hoàn toàn không bị bắt lại bởi lão hàng phở độc ác đó, rồi chui vào góc một bãi phế liệu ven đường, liếm láp thân mình. Những chỗ ban nãy bị tấn công ứa máu và buốt rát. Trên người tôi trước giờ chi chít sẹo, nay lại xuất hiện thêm vài vết thương mới. Lớp lông tối màu lởm chởm và khô sần như rơm rạ. Tôi dừng lại, nằm ngả ra, thở nặng nhọc vì mệt mỏi.
Và hôm đó, tôi hầu như không bỏ gì vào bụng. Cả người rệu rã. Suýt chết nhưng lại không có miếng thức ăn nào, tôi vỡ lẽ ra đôi khi cuộc đời này không hề công bằng. Những gì chúng ta đánh đổi chưa chắc đã nhận lại được kết quả xứng đáng. Cuối cùng lại hoàn trắng tay.
Những thứ quý giá có khi chẳng bao giờ thuộc về mình. Vậy nên mới nói, cuộc đời là một bãi rác. Toàn rác là rác.
���a<>