Tất nhiên căn phố dài một ngàn hai trăm mét đó có tên gọi đàng hoàng nhưng lâu nay, do quen miệng, người ta cứ kêu là phố Nhà binh cho khỏi lẫn với các khu phố dân sự khác.
Chỉ mới cách đây chừng đôi ba năm thôi, cảnh sắc nơi này còn vắng lặng thâm trầm lắm. Dường như tất cả các căn hộ to nhỏ, ngắn dài đều bảo nhau khinh khỉnh xây lưng ra đường, khiến cho dãy phố đã tăm tối lại càng hun hút nỗi đe dọa rập rình mỗi khi ai đó có việc phải đi sớm về khuya qua đây. Chao ôi là những đêm đông khuya khoắt, cả dãy phố chỉ độc tôn còn lại tiếng giày đinh quân cảnh gõ uể oải hai bên hè, tiếng trai gái run rẩy thì thầm nhòa chìm vào những vùng tối gốc cây và tiếng cành sấu khô rụng đơn côi xuống mặt đường mỗi khi có làn gió lạnh thổi qua...
Vậy mà bỗng một ngày, lại như tuân thủ nhất loạt một khẩu lệnh của đấng toàn năng, sau vài đêm hỗi hả đục tường, trổ cửa, nới mái... phắt một cái, các căn hộ rùng rùng chuyển động ngỡ ngàng quay mặt ra với cuộc đời. Bao mảng tường rêu phong tựa hồ đã bị bỏ quên hàng ngàn năm in nhờ nhờ dấu chịn ngọt ngào của thân người bỗng phát khởi thành những khuôn sáng vuông tròn chan hòa đủ màu đỏ, vàng, xanh, của đủ loại kiốt thấp cao: mỹ phẩm, uốn sấy tóc, photocopi, giày dép da, điện lạnh, cà phê Berr, cà phê Noa, bún phở, xe máy, thuê và ghi hình video và sự sang trọng đến ngốt người của các đại diện giao dịch Mếch này, Tếch kia... Phố nhà binh ngày ngày bị phá vỡ cấu trúc từ bên trong để hóa thân thành một khu phố thương mại náo hoạt. Và người nhà binh cũng tự vặn mình phá vỡ mọi mặc cảm, định kiến, mảnh giáp trụ quân phục, vị thế cố hữu của phẩm hàm tướng tá, gia phong gia phả... để cố gắng hòa nhập vào dòng đời đang cuộn chảy bên ngoài, mong tìm được cuộc sống khả dĩ còn gọi được là... Cuộc sống.
Tôi cũng có một anh bạn thân ngụ tại một căn hộ trong phố đó mà mỗi khi về Hà Nội, tôi không thể không ghé qua ăn nghỉ. Sau một ly rượu ngà ngà, nhìn Thẩm (tên người bạn) trẻ trung, cường tráng, lanh lợi và có đôi phần viên mãn, lại liếc nhìn căn hộ hai buồng không to tát nhưng xinh xắn, tiện nghi và ấm cúng, tôi bất giác buột miệng nói ra một câu mà đáng lẽ ở vào cái tuổi tôi chẳng nên nói:
- Giả dụ như mình Thẩm ạ... Tất nhiên nói theo cảm nhận cá nhân thì... thì mình...
- Thì dù có ăn rau ăn cháo, một thằng đàn ông chân chính không bao giờ được phép để vợ đi như thế chứ gì? - Thẩm nói tiếp hộ tôi với cái cười dễ dãi, rất tươi - Khỏi lo đi! Mỗi người một quan niệm, mỗi người một hoàn cảnh, một phận số, mình tin ở cô ấy. Mà... Hả? Dù có thế đi nữa thì đã làm sao nào? Miễn là khi cô ấy trở về, bọn mình sẽ sống ổn hơn, nhân quyền hơn, tương lai con bé Hương Thảo sẽ được đảm bảo. Ðó là cái chính, chứ ông bảo lứa bọn mình còn làm được gì nữa, coi như bỏ đi rồi. Hả?
Nó "hả" cái kiểu nện quả tạ vào mặt người ta như thế thì còn cách nào khác là lặng lẽ gật đầu. Rồi tôi cũng bỗng dưng bật cười vì cái suy nghĩ ngồ ngộ rằng không còn nhận ra thằng Thẩm ngày xưa nữa. Một thằng Thẩm to cao như lực sĩ, cười ha hả, giọng oang oác, vui chửi tục, buồn cũng chửi tục, mặt mày lúc nào cũng tươi tỉnh rỡ ràng như sắp sửa vào cơn hưng phấn. Còn giờ đây, bộ pi gia ma trưởng giả đã thay thế cho chiếc quần cụt thể thao nó thường mặc ở nhà, thoạt trông giống như cái thằng đàn ông mắc bệnh phong tình, bữa cơm đã có cốc nước đá lạnh để cạnh mâm, vừa ăn vừa chiêu dần dà, xem ra lời ăn tiếng nói, dáng đi dáng đứng đã mềm mại khoan thai lên nhiều lắm. Còn Hương, vợ Thẩm, vốn là con một vị tướng tư lệnh binh chủng, Căn hộ hai buồng dễ thương này là ông cho con gái rượu. Trước đây hai người cùng công tác trong một đơn vị công binh cầu đường, chỉ khác kẻ ở văn phòng, người nằm sâu dưới đơn vị. Yêu cái vẻ yêng hùng chiến trận, yêu tính cách đàn ông khoáng đạt bạo liệt của chàng kỹ sư tiểu đoàn trưởng vốn gốc gác con nhà làm ruộng, cô đã lạnh lẽo khước từ không ít chàng trai tốt người đẹp mẽ, học vị đến nơi, lại con nhà môn đăng hộ đối để chấp nhận tình yêu của Thẩm, tất nhiên sau khi đã quần cho cu cậu chỉ còn thiếu nước đập đầu vào tường.