Văn hóa, lịch sử Nhật Bản

2.8K 10 3
                                    

1. Điều kiện tự nhiên

Nhật Bản là một quần đảo với trên 3.000 đảo được tạo thành từ các ngọn núi cao nổi lên từ một dãy núi nằm sâu dưới biển Thái Bình Dương, phía ngoài lục địa châu Á. Toàn bộ diện tích của Nhật Bản là 377.829 km2, tương đương với diện tích của Đức, Phần Lan hay Việt Nam. Honshu là đảo lớn nhất, chiếm 61% diện tích lãnh thổ quốc gia. Đảo lớn thứ hai là Hokkaido, thứ ba là Kyushu, thứ tư là Shikoku và thứ năm là Okinawa. Khoảng 80% diện tích Nhật Bản là vùng núi trong khi các vùng bình nguyên thường nhỏ và hẹp. Các cánh đồng được canh tác chiếm 12,3%, diện tích đất trồng cây ăn quả chiếm 1,1% và đất trồng cỏ chiếm 0,2% diện tích quốc gia. Ngược lại, rừng bao phủ tới 66,5% tổng diện tích đất.

Bờ biển Nhật Bản rất đa dạng và lồi lõm rõ rệt với vô số vịnh và bán đảo, nhưng cũng có những bãi biển dài hàng chục kilômét. Các dòng biển lạnh chảy xuống từ hướng Bắc gặp các dòng biển nóng chảy ngược lên từ phía Nam tại các vùng biển quanh quần đảo Nhật Bản, tạo thành vùng nước hoà trộn giữa các dòng biển. Tại khu vực dòng xoáy này, các chất phù sa không lắng xuống đáy đại dương, các loài sinh vật phù du phát triển và cá nhỏ sinh sôi tạo môi trường lý tưởng cho các loài cá sống ở cả các vùng nước lạnh và nước nóng. Một số loài chính bao gồm cá ngừ, cá thu, mực, cá mòi, cá cốc, cá trích và cá hồi. Sự đa dạng của các loài hải sản nước lạnh và nước nóng là một điều lý giải cho việc Nhật Bản là một trong những nước đánh bắt cá lớn nhất trên thế giới.

2. Con người

Một đặc điểm của người Nhật là mức độ thuần nhất cao của họ, nếu không kể thiểu số người Ainu hiện nay còn khoảng 18.000 người sống ở Hokkaido và Sakhalin thì tất cả người Nhật đều thuộc về cùng một chủng tộc và chỉ nói một ngôn ngữ. Một phần vì vậy mà tính cách của người Nhật Bản mang sắc thái khá rõ ràng và đồng nhất.

Tính hiếu kỳ và nhạy cảm với văn hóa nước ngoài

Chúng ta có thể nói rằng không có dân tộc nào nhạy bén về văn hoá của nước ngoài như người Nhật. Họ không ngừng theo dõi những biến động tình hình bên ngoài, đánh giá và cân nhắc những ảnh hưởng của các trào lưu và xu hướng chính đang diễn ra đối với Nhật, và nếu như họ phát hiện ra trào lưu nào đang thắng thế thì họ có xu hướng sẵn sàng học hỏi, nghiên cứu để bắt kịp trào lưu đó. Và chính tinh thần thực dụng, tính hiếu kỳ và óc cầu tiến của người Nhật là những động lực thúc đẩy họ bắt kịp với các nước tiên tiến. Họ không đặt vấn đề phê phán hay chọn lọc khi học mà bằng mọi cách học cho hết. Sau đó họ mới nghiền ngẫm tìm ra những yếu tố có thể cải biến. Đến đây họ lại phát huy được thế mạnh của óc quan sát tỉ mỉ và sự tinh tế vốn có của văn hoá dân tộc.

Mặc dù rất nhạy cảm đối với văn hoá nước ngoài, song người Nhật rất ý thức về tài sản văn hoá của họ. Tư liệu lịch sử văn hoá, đền đài, chùa chiền... đại bộ phận vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay. Hơn thế, các ngành nghề truyền thống không những không bị mai một đi mà còn được cải tiến kỹ thuật và càng trở nên tinh tế hơn.

Bạn đã đọc hết các phần đã được đăng tải.

⏰ Cập nhật Lần cuối: Aug 25, 2009 ⏰

Thêm truyện này vào Thư viện của bạn để nhận thông báo chương mới!

Văn hóa, lịch sử Nhật BảnNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ