1. Về mặt tâm lý
Việc học là một quá trình lâu dài không thể chỉ là một vài ngày. Do đó gần ngày thi không nên ôn tập dồn dập. Chỉ học tối đa 5-7 tiếng. Sau 45-50 phút cần phải có sự nghỉ ngơi, thư giãn. Đậu hay trượt, điểm cao hay thấp là kết quả của một quá trình học tập và rèn luyện lâu dài và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, không nên tạo một áp lực quá lớn cho bản thân mình.
Khi bước vào phòng thi, ngay những phút đầu tiên phải tự trấn tĩnh (nhất là các thí sinh thi lần đầu), hít sâu, thở đều 10-12 cái. Chú ý đọc kỹ những câu hỏi đơn giản, xem lại bài trước khi nộp.
Giữa hai buổi thi cần nghỉ ngơi, nếu có ôn bài cũng chỉ ôn từ 15 đến 20 phút.
2. Về mặt thể lực
Trước tiên các em cần ăn uống cho đủ chất và ăn no vì thời điểm học căng thẳng cơ thể sẽ tiêu tốn nhiều calo. Ở thời điểm luyện thi dại học này các em dễ rơi vào tình trạng “ăn không vào”, vì vậy nên ăn thật nhiều những món “khoái khẩu”,không nên kiêng cữ (trứng, chả, đậu, chuối…).
Nếu thí sinh ở tỉnh xa nên chuẩn bị chỗ ở càng gần địa điểm thi càng tốt để tránh những rủi ro có thể xảy ra như kẹt xe, tai nạn giao thông… Nên đi đến điểm thi trước giờ quy định khoảng một giờ đồng hồ, khảo sát địa điểm thi trước đó một ngày. Những bất trắc nhỏ về sức khỏe có thể xảy ra như nhức đầu, sốt. Khi đó nên dùng các thuốc giảm sốt, giảm đau thông thường nhưng không thể quá nôn nóng mà uống quá liều.
Giấc ngủ hết sức quan trọng, đặc biệt vào những ngày này. Thời gian ngủ tối thiểu là 5 giờ. Tuyệt đối không được dùng các chất kích thích như trà, cà phê để thức ôn bài vì nó nguy hiểm đến sức khoẻ và không giúp gì được cho trí nhớ.
Một sự cố thường gặp ở thí sinh là ngủ… quên cả giờ thi. Do buổi tối trước các em bị căng thẳng nên trằn trọc đến 2-3 giờ sáng mới chợp mắt. Người trong gia đình hoặc các bạn cùng phòng phải chú ý nhắc nhở nhau điều này.
3. Gia đình cần lưu ý
Nên đưa con em mình về nhà sau buổi thi. Lúc này các em thường suy nghĩ lại những câu trả lời trong bài thi, nếu để các em tự đi xe sẽ dễ bị tai nạn do không tập trung. Nếu như kết quả thi không đạt yêu cầu, gia đình và người thân cũng phải an ủi, động viên vì trong giai đoạn này các em rất dễ bị sốc do không đạt được kết quả như mong ước; chuẩn bị cho kỳ thi quá căng thẳng; tự gây áp lực cho bản thân…
Tương lai đang sáng lạn ở phía trước, bởi vậy các em phải “học cho chắc và bình tĩnh, tự tin” khi làm bài vẫn là hai yếu tố then chốt quyết định cho sự thành công của các em.