Vườn Cúc Mùa Thu

62 0 0
                                    



Hẹn Mùa Hoa Cúc-Chương 1

Ueda Akinari (1734-1809)

Liễu mùa xuân xanh mơn mởn nhưng xin đừng trồng liễu trong vườn nhà. Cũng như chớ kết giao với hạng người khinh bạc. Dương liễu xum xuê đấy nhưng không chịu nổi trận gió đầu thu, khác nào người khinh bạc dễ nhạt mối giao tình. Liễu kia còn thắm lại lúc xuân về chứ người khinh bạc một đi không hề trở lại.

Ở trạm Kako xứ Harima có người hàn sĩ học rộng tên gọi Hasebe Samon. Cam cảnh thanh bần, chỉ làm bạn với sách vở, trong nhà không của cải phiền toái. Mẹ già đưa thoi khác nào Mạnh mẫu, suốt ngày chẳng rời giường cửi, những mong giúp con đạt chí nguyện bình sinh. Cô em gái út đã về làm dâu họ Sayo cũng chỗ làng nước. Nhà Sayo của cải ức vạn nhưng vốn biết mẹ con Hasebe là hiền nên mới xin kết thông gia và rước cô ta về. Đôi lúc họ mượn cớ nầy việc nọ để đem đồ biếu xén nhưng mẹ con cho rằng « chớ vì miếng ăn mà phải lụy người » nên vẫn thoái thác.

Loaded: 0%

Progress: 0%

0:01


Một hôm, Hasebe Samon đến thăm người bạn tên Mỗ cùng thôn, trong lúc hai bên đang cao hứng bàn chuyện xưa nay bỗng nghe cách vách có tiếng rên rỉ bi ai. Samon bèn hỏi thăm. Chủ nhà trả lời: « Người này xem ra gốc gác ở miền Tây, nhân không bắt kịp bạn đồng hành để lỡ độ đường, mới xin tôi cho tá túc qua đêm. Tôi thấy ông ta tướng mạo đường đường như con nhà vũ sĩ nên nhận lời. Chẳng ngờ từ đêm hôm đó bị lên sốt nặng, nằm li bì, đáng thương lắm. Đã ba bốn bữa rồi cứ như thế, tôi lại chẳng biết nhà cửa quê quán ông ta, nghĩ mình thật vụng tính. Bây giờ có hơi hối ». Samon nghe qua mới bảo: « Thế thì tội nghiệp quá. Bác có lo lắng cũng đúng. Mang bệnh vào thân giữa đồng đất nước người không ai quen biết thì cơ khổ. Thôi để tôi khám xem sao ». Nói xong, đã thấy chủ nhà lên tiếng: « Tôi nghe bệnh dịch hay lây, trẻ con trong nhà còn không cho bước vào phòng đó. Đừng mang họa vào thân ». Samon mới cười: « Sống chết tại trời, ai truyền bệnh được. Thiên hạ không biết cứ nghe, mình tin theo làm gì!». Rồi đẩy cửa đi vào. Samon thấy người khách đang nằm, đúng như nhà chủ nói, có phong thái khác phàm nhưng đang nhuốm bệnh nặng nên mặt mày vàng võ, người gầy đen, co quắp dưới một mảnh chăn cũ. Người ấy nhìn Samon với vẻ mừng rỡ, miệng nói « Làm ơn cho xin miếng nước nóng ». Samon ngồi sát con bệnh và bảo "Xin tôn ông chớ lo, thế nào tôi cũng chữa cho khỏi ». Thật bỏ rơi cũng chẳng nỡ, mới xin phép nhà chủ khám bệnh xong, tự mình cho toa, bốc, sắc thuốc, lại đút cháo, lo lắng trông nom đủ điều chẳng khác ruột thịt. Người vũ sĩ thấy Samon tận tụy, cảm động ứa nước mắt thưa: « Ông đối xử tốt như thế đến cả kẻ trôi dạt này sao? Tôi có chết cũng chẳng báo đáp nổi tình thâm ». Samon mới can: « Tôn ông thốt chi những lời bi quan thái quá. Phàm bệnh dịch tất phải chịu đựng ít hôm. Tai qua nạn khỏi còn sống dai nữa đấy. Tôi sẽ qua đây trông nom ông mỗi ngày ». Đúng như lời hứa chân tình, Samon săn sóc thật tận tâm nên dần dần, người vũ sĩ cảm thấy bệnh thuyên giảm, thân thể nhẹ nhõm hẳn, nồng nhiệt tỏ lòng cảm tạ. Vì kính mến công ơn, người ấy mới hỏi thăm gia cảnh Samon và thuật cho nghe gốc gác của mình: « Tôi tên Akana Soemon, sinh trưởng ở vùng Matsue xứ Izumo, vốn thông hiểu chút binh pháp nên được ngài En-ya Kamon-no-suke, quan trấn thủ thành Tomita, tôn làm thầy. Nhân có việc cơ mật, ngài Enya mới gửi tôi đi gặp Sasaki Ujitsuna ở Omi. Lúc đang ở công quán dưới đó chợt nghe tin chức trấn thủ cũ là Amako Tsunehisa kéo bọn Yamanaka về hùa, nhằm đêm giao thừa bất ngờ leo vào chiếm thành, giết hại chủ tôi. Nguyên lai, vùng Izumo vẫn là đất phong của họ Sasaki, còn ngài Enya phụ tá việc cai trị. Tôi mới khuyên Sasaki Ujitsuna « Xin hãy giúp bọn Mizawa và Mitoya tiểu trừ bè đảng Amako Tsunehisa hộ ». Khổ nỗi Ujitsuna bề ngoài xem ra dũng mãnh, bên trong chỉ là kẻ khiếp nhược ngu tối. Tôi bắt buộc nán lại Omi. Thấy mình ở đó lâu cũng chẳng được việc, tôi mới lẻn trốn về xứ, ai ngờ giữa đường lâm trọng bệnh, để nhọc lòng ông, thật thân này may có phước phần. Trong nửa đời còn lại, nhất định có ngày báo đáp ». Samon gạt đi:" Tôi giúp tôn ông là vì tình người, thấy kẻ hoạn nạn làm ngơ không đành, đâu thể nào nhận lời cảm ơn quá nồng hậu của ông. Ông cứ nán lại nghỉ ngơi cho khoẻ đã ». Câu nói chí tình như thêm sức nên lần hồi con bệnh hoàn toàn bình phục.

Vườn Cúc Mùa ThuNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ