NHỔ RĂNG THÔNG THƯỜNG
MỤC TIÊU
1. Nêu và thảo luận được các yếu tố tại chỗ có liên quan đến răng cần nhổ.
2. Mô tả các loại kìm, nạy sử dụng trong nhổ răng.
3. Mô tả được tư thế bác sĩ và bệnh nhân khi nhổ răng.
4. Mô tả và thảo luận được các nguyên tắc khi thực hiện thao tác nhổ răng an toàn.
I - MỞ ĐẦU
Răng tồn tại được trên cung hàm nhờ sự toàn vẹn và khỏe mạnh của xương ổ, dây chằng nha
chu và phần nướu dính. Nhổ răng là thực hiện quá trình làm giãn nở xương ổ, đứt dây chằng và
tách rời phần nướu dính để lấy răng ra khỏi ổ răng một cách toàn vẹn, quá trình này được thực hiện
với sự trợ giúp của các dụng cụ nhổ răng cụ thể là kìm và nạy.
Tuy nhiên việc sử dụng lực để nhổ răng đòi hỏi phải cân nhắc để thích hợp với răng cần nhổ,
tránh các nguy hại đến xương ổ, răng bên cạnh và mô lân cận.
II - KHÁM VÀ ĐÁNH GIÁ RĂNG CẦN NHỔ
1. Mục đích
Phải dựa vào sự quan sát trên lâm sàng và trên phim X quang để nhằm mục đích:
– Chọn kỹ thuật thực hiện:
+ Nhổ răng bằng nạy, kìm.
+ Nhổ răng bằng nạy đơn thuần.
+ Nhổ răng bằng cách chia chân.
+ Nhổ răng bằng cách cắt bỏ xương ổ.
– Phối hợp giữa thực tế lâm sàng với các loại dụng cụ sẵn có.
– Đánh giá độ khó của răng sắp nhổ.
– Dự đoán được các tai biến có thể xảy ra như:
+ Gãy răng.
+ Gãy chân răng.
Hai loại tai biến này có thể do lỗi kỹ thuật của người bác sĩ như sử dụng sai dụng cụ, thiếu thận
trọng, mạnh bạo trong khi nhổ hay do cấu trúc và cơ địa của bệnh nhân như: răng có độ vôi hóa
cao, giòn, cứng khớp, chân răng cong, gấp khúc, dùi trống.
+ Gãy xương ổ.
+ Vỡ ống răng dưới.
+ Thủng xoang hàm, lọt chân răng vào xoang.
+ Gãy xương hàm dưới.
2. Cách khám
2.1. Thân răng
– Kích thước: kích thước thân răng cũng có thể phản ánh được kích thước chân răng. Thân răng
càng lớn, chân răng càng to, cứng, răng càng khó nhổ. Cần dựa vào kích thước răng và hình thể
thân răng để chọn mỏ kìm cho phù hợp. Thông thường thân răng còn nguyên thì dễ bắt kìm, nếu