Cảm nhận về một đoạn thơ của Tây Tiến

2.7K 19 2
                                    

Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

"Tây tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá giữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

Tây Tiến – Quang Dũng

Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài, ông vừa viết văn, làm thơ, vừa soạn nhạc. Những tác phẩm thơ của ông thường mang cả chất nhạc họa, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. "Tây Tiến" là một trong những bài thơ làm nên tên tuổi của ông, được viết năm 1948 tại Phù Lưu Chanh. Nổi bật trong tác phẩm là thiên nhiên và con người "Tây Tiến". Đoạn thơ sau khắc họa rõ nét hình ảnh những người chiến binh Tây Tiến lãng mạn hào hoa nhưng cũng anh hùng bi tráng:

"Tây tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá giữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

Tây Tiến là đoàn binh được thành lập năm 1947 với nhiệm vụ kết hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới phía Tây của tổ quốc. Con đường hành quân của những người lính Tây Tiến vô cùng hiểm trở, dọc theo dòng sông Mã với những cánh rừng hoang sơ còn in vết chân cọp, những dốc núi cao khúc khuỷu chạm tới tận "cồn mây súng ngửi trời". Điều kiện khó khăn như vậy nhưng không chỉ thế những người lính Tây Tiến còn phải đối mặt với căn bệnh sốt rét rừng. Nó hành hạ những người lính làm cho họ rụng hết tóc , gương mặt bủng beo xanh xao. Hình dáng bên ngoài của những người lính Tây Tiến đã nói lên sự gian khổ khắc nghiệt mà họ phải chịu đựng. Song vượt lên tất cả, họ xuất hiện với hình ảnh thật hài hước, đáng yêu "không mọc tóc" và "quân xanh màu lá giữ oai hùm". Chỉ với hai câu thơ Quang Dũng đã nói lên tinh thần lạc quan, làm chủ hoàn cảnh của những người chiến binh Tây Tiến. Họ không thèm mọc tóc và nước da xanh của họ làm cho họ trở nên dữ dằn oai phong cũng như giúp họ ngụy trang tốt hơn. Dù hiện thực cuộc sống có khốc liệt gian khổ nhưng họ vẫn vượt lên trên tất cả bằng tinh thần lạc quan yêu đời của mình.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Ra đi năm ấy là học sinh, sinh viên, trí thức Hà thành. Đó là những chàng trai hào hoa, phong nhã và cũng rất trẻ trung yêu đời. Thế nhưng hai câu thơ trên lại tiếp tục vẽ lên hoàn cảnh thật khốc liệt mà những chiến binh Tây Tiến phải chịu đựng. Đôi "mắt trừng" gợi liên tưởng đến gương mặt hốc hác nhô xương, đôi mắt như lồi to ra trên gương mặt gầy guộc. Nhưng trong đôi mắt ấy ta vẫn thấy sáng lên vẻ đẹp của những chàng trai Hà Nội ra đi năm nào. Họ không ngừng mơ ước về bên kia biên giới, về vùng đất Viêng Chăn rực rỡ trong những điệu múa và tiếng khèn. Và ngay cả trong giấc mơ họ cũng không quên nhớ về Hà Nội - nơi họ mà đã ra đi, về những người con gái xinh đẹp, duyên dáng và thanh lịch đất Hà thành. Tất cả vẽ lên những ước mơ thật đẹp về ngày toàn thắng, ngày trở về, thể hiện niềm lạc quan tin tưởng của những người chiến binh Tây Tiến.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông mã gầm lên khúc độc hành.

Làm nên một vẻ đẹp nữa trên bức tượng đài người chiến binh Tây Tiến đó là sự kiêu hùng bi tráng. Những câu thơ khắc họ sự thật khốc liệt của chiến tranh. Ra đi năm ấy, không ít người con Hà Nội đã phải nằm lại nơi chiến trường xa xứ. Trong chuyến đi thăm nước bạn Lào, nhà thơ Chế Lan Viên cũng có những câu thơ khắc họa rõ nét những hình ảnh này

Ngủ lại Sê-băng-hiêng là chàng trai đất sông Hồng

Ngủ lại Sê-băng-phai là chàng trai Phú Thọ

Bóng khộp, bóng bằng lăng che mình hay bóng cọ

Chàng trai Nghĩa Bình ngủ lại Sê-không.

Câu thơ thứ nhất khiến chúng ta không khỏi cảm giác rùng rợn, đồng thời xót thương khâm phục những cuộc đời đã nằm lại nơi chiến trường, bảo vệ cho biên giới của tổ quốc thân yêu. Nhưng đến câu thơ thứ hai đã xóa đi hết những đau thương ấy, ta thấy hiện lên tầm vóc thật lớn lao vĩ đại của những người chiến binh Tây Tiến. Họ ra đi không tiếc tuổi trẻ, thậm chí cả cuộc đời. Họ quyết tâm bảo vệ đất nước. Tất cả nói lên tinh thần yêu nước nồng nàn của họ. Cho dù có phải hi sinh nhưng sự hi sinh ấy thật thiêng liêng, cao cả và vinh quang biết bao nhiêu.

Ra đi chỉ một lời thề

Chưa giết hết giặc chưa về quê hương

Bài thơ Tây Tiến được viết lên trong niềm nhớ của Quang Dũng khi tác giả rời xa đơn vị . Đến những câu thơ tiếp theo tác giả nhớ đến khoảnh khắc đưa tiễn những người đồng đội của mình về với đất mẹ. Những câu thơ như chan đầy dòng nước mắt của tác giả

Áo bào thay chiếu a về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Hiện lên một lần nữa là sự thật khốc liệt của chiến tranh. Nằm lại nơi chiến trường, những người lính không có manh chiếu liệm thân nhưng khoảnh khắc ấy lại đầy tự hào vì trên người họ đang mặc chiếc áo xanh màu lính, chiếc áo của tổ quốc thân yêu. Chiếc áo ấy đã theo họ trên suốt những chặng đường hành quân. Nó còn được so sánh với chiếc áo bào của những bậc anh hùng nghĩa tướng ngày xưa. Điều đó góp phần làm nên bi tráng cho sự hi sinh của những người lính Tây Tiến. Nằm lại nơi chiến trường xa xôi nhưng trên người vẫn mặc chiếc áo của tổ quốc, họ không chết mà sẽ sống mãi, họ hóa thân vào đất mẹ "anh về đất". Trong khoảnh khắc ấy dòng sông Mã như gầm vang tiếc thương cho những đứa con đã ngã xuống vì tổ quốc. Nhưng dòng sông cũng ca lên khúc khải hoàn, ca ngợi những người chiến binh đã hi sinh cho lí tưởng cao đẹp, đó là bảo vệ tổ quốc, là "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh". Dòng sông Mã luôn gắn liền với người lính trên những con đường hành quân và thậm chí ngay cả lúc họ hi sinh như sự dõi theo của quê hương, của đất mẹ đối với những người con của tổ quốc.

Bài thơ đã có thời kì làm cho tên tuổi của Quang Dũng phải lao đao vì nó được vẽ lên qua ngòi bút quá chân thực của tác giả về sự khắc nghiệt gian khổ trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Tuy nhiên, sáng lên trong bài thơ là bức tượng đài về người chiến binh Tây Tiến, về đoàn binh Tây Tiến với những vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa nhưng cũng kiêu hùng, bi tráng.

Qua bao nhiêu năm mà bài thơ "Tây Tiến" và hình ảnh người chiến binh Tây Tiến với những vẻ đẹp đáng quý vẫn để lại ấn tượng đậm nét trong lòng độc giả. Để sau bài thơ này, địa danh Tây Tiến luôn hiện lên trong miền kí ức của những người con yêu nước Việt Nam.

2-v6�'����

🎉 Bạn đã đọc xong Cảm nhận về một đoạn thơ Tây Tiến 🎉
Cảm nhận về một đoạn thơ Tây TiếnNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ