TÔI ĐÃ SỐNG MỘT CUỘC ĐỜI ĐẦY HỔ THẸN.
Tôi không dự tưởng được cuộc sống của một con người. Tôi được sinh ra ở một làng quê phía đông bắc nên mãi cho đến khi đã khôn lớn tôi mới được nhìn thấy tàu lửa lần đầu tiên. Tôi leo lên leo xuống cái cầu vượt nơi ga dừng, hoàn toàn không hay biết nó được làm để cho người ta băng ngang qua đường ray. Tôi đơn thuần chỉ xem cái cầu đó như một sự làm duyên làm dáng được lắp đặt giữa cái sân ga như một khu vui chơi của ngoại quốc mà thôi và thưởng thức sự phức tạp của nó. Tôi đã nghĩ như thế trong một thời gian dài. Tôi leo lên leo xuống cái cầu đó, xem đó là một trò vui tân kỳ, và cho rằng đây là một trong những dịch vụ hay nhất của ngành đường sắt. Mãi về sau khi phát hiện cái cầu đó chỉ là một loại cầu thang tiện dụng dành cho du khách băng ngang qua đường ray mà thôi thì tôi mất hẳn sự hứng thú.
Và khi còn nhỏ, khi xem bức ảnh chụp tàu điện ngầm trong một quyển sách tranh, tôi không xem đó như là một phương tiện giao thông tiện dụng cần thiết mà chỉ nghĩ rằng đi tàu điện ngầm so với đi tàu lửa thì đúng là một trò chơi thú vị hơn nhiều.
Thuở nhỏ tôi thường đau yếu bệnh tật, thường nằm trên giường bệnh. Và tôi nghĩ rằng đệm, chăn chiếu gối chỉ là những vật trang trí chán ngắt, chẳng thú vị gì. Phải đến lúc gần hai mươi tuổi, tôi mới ngạc nhiên nhận ra đó là những vật dụng cần thiết hàng ngày. Và sự tẻ ngắt của cuộc sống cần kiệm của con người đã làm tôi vô cùng buồn chán.
Tôi cũng chưa từng biết đói ăn là như thế nào. Tất nhiên điều này không có nghĩa là tôi được nuôi dưỡng trong một gia đình đầy đủ cái ăn cái mặc, hoàn toàn không có ý nghĩa ngu ngốc như thế. Điều tôi muốn nói là tôi hoàn toàn không biết cái cảm giác "đói bụng" là thế nào cả. Nói nghe thì có vẻ kỳ lạ chứ thực tình cho dù đói bụng đi chăng nữa tôi cũng chẳng nhận ra. Hồi học cấp một, cấp hai, mỗi lần tan học về nhà, những người xung quanh lại hỏi thế nào, đói bụng nhỉ, lũ chúng tôi còn nhớ rõ mỗi lần từ trường về nhà là đói nẫu ra đấy, cậu dùng đậu nành ngọt nhé, hay bánh trứng, có cả bánh mì nữa đấy. Cứ làm nhặng xị cả lên. Thế là tôi được dịp phát huy tinh thần làm nũng cố hữu của mình cũng lẩm bẩm đói bụng lắm rồi cũng thảy vào miệng chừng mười hạt đậu nành ngọt nhưng thực tình tôi chẳng hiểu một tí gì về cảm giác đói cả. Dĩ nhiên tôi cũng ăn nhiều nhưng tôi hầu như không nhớ được là mình đã ăn gì vào lúc đói. Tôi đã ăn nhiều thứ được cho là hiếm và quý thời bấy giờ. Tôi cũng ăn nhiều thứ hào hoa xa xỉ. Khi đến nhà người khác, tôi hầu như ăn hết những thứ người ta mời, dù đôi khi phải gắng sức. Và thực sự khi tôi còn nhỏ, thời gian khổ sở nhất đối với tôi là giờ ăn cơm của gia đình.
Gia đình tôi ở quê có khoảng chừng mười người. Đến bữa ăn mọi người ngồi thành hai bên đối diện nhau, thức ăn bày ở giữa. Tôi là con út dĩ nhiên phải ngồi ở chỗ cuối cùng. Và cái cảnh cả chục người im lặng ngồi ăn trong căn phòng âm u lặng lẽ mà mỗi lần nhớ đến tôi đều cảm thấy nổi da gà. Nhà tôi là một gia đình nhà quê thuần túy nên những món ăn thường chỉ xoàng xĩnh, quanh đi quẩn lại có mấy món mà thôi. Những thức ăn hiếm quý hay xa xỉ không thể nào với đến được. Và càng ngày tôi càng sợ cái giờ ăn uống ấy. Ngồi ở cuối căn phòng tăm tối thâm nghiêm, lùa từng chút cơm vào miệng, cố nuốt xuống, người tôi run cầm cập vì lạnh. Tôi tự hỏi tại sao người ta phải ăn mỗi ngày ba bữa chứ, khi ăn mọi người có cần làm vẻ mặt nghiêm túc như vậy không, cứ làm như thể là một loại nghi lễ nào đó không bằng. Cứ mỗi ngày ba bận, vào thời gian quy định, mọi người lại tập họp lại trong một căn phòng tù mù, sắp xếp đưa lên các món ăn theo đúng thứ tự, dù không muốn ăn cũng phải im lặng cúi đầu mà nhai nuốt. Thậm chí có lúc tôi còn nghĩ rằng hình như mọi người có lẽ đang tập trung cầu nguyện cho những hồn ma đang lảng vảng trong nhà thì phải.
BẠN ĐANG ĐỌC
Thất Lạc Cõi Người
General FictionGiới thiệu: Xa lạ với nhân gian là nỗi ám ảnh bi ai mà nhân vật "tôi" (Yozo) luôn luôn cảm thấy. Anh tin rằng mình không biết cách làm người, đã mất tư cách làm người, đúng như tiêu đề của truyện: "Nhân gian thất cách". Anh đành buông mình thất lạc...