Lời dự đoán của thằng Takeichi về tôi một đúng, một trật. Cái dự đoán vô sỉ của nó là tôi được lũ con gái “yêu thương” thì đúng, còn cái lời chúc phúc rằng tôi sẽ là “một họa sĩ” vĩ đại thì sai trật hoàn toàn.
Tôi chỉ có thể là một họa sĩ truyện tranh vô danh của một tờ tạp chí hạng bét mà thôi.
Vì sự kiện ở Kamakura mà tôi bị đuổi học khỏi tro đẳng, đến tá túc ở một căn phòng ba chiếu trên tầng hai nhà ông cá bơn. Ngoài một số tiền nhỏ nhoi hàng tháng từ quê gửi lên, nhưng không phải trực tiếp cho tôi mà gửi qua tay ông cá bơn (nghe nói số tiền này là các anh tôi lén cha tôi mà gửi), thì tất cả mối liên hệ với cố hương đều bị cắt đứt. Ông cá bơn lúc nào cũng khó chịu, dù tôi cứ mỉm cười lấy lòng nhưng ông ta chẳng thèm cười lại. Cái sự thay đổi đến mức kỳ dị này khiến tôi thấy thật ti tiện, không phải, đến mức buồn cười thì đúng hơn rằng tại sao con người có thể thay đổi nhanh chóng như trở bàn tay vậy?
“Không được đi ra ngoài. Đừng có đi ra ngoài đấy nhé”.
Cá bơn cứ nói toàn những lời như vậy.
Có lẽ ông cá bơn cứ dõi mắt canh chừng vì sợ tôi tự sát chăng? Chắc ông sợ tôi lần theo dấu người con gái đã mất mà lại nhảy xuống biển nữa hay sao nên cấm tiệt tôi không được ra ngoài. Thế nhưng không được hút thuốc với uống rượu, từ sáng đến tối chỉ vùi trong cái bàn sưởi kotatsu nơi căn phòng ba chiếu, đọc mấy tờ tạp chí cũ, sống ngơ ngơ lay lắt như vậy, tôi chẳng còn có khí lực gì muốn tự sát nữa.
Căn nhà của ông cá bơn nằm gần trường y Okubo. Trước nhà tuy có gắn tấm bảng “Thanh Long Viên, chuyên thư họa và đồ cổ” nhưng vì một căn nhà chia làm hai hộ nên cổng vào thì hẹp, trong nhà thì bày toàn những thứ vô dụng phủ đầy bụi bặm (không phải ông cá bơn dựa vào những thứ tạp nhạp này mà bán buôn mà nghe nói ông ta kiếm được bộn tiền nhờ vào việc nhượng quyền sở hữu cổ vật từ chủ này sang chủ kia). Hầu như ông cá bơn không khi nào ngồi ở tiệm cả. Mỗi sáng ông ta làm cái mặt khó đăm đăm, vội vàng chạy đi, để lại một người nhân viên chừng 17,18 tuổi giữ nhà nhưng thực ra thì để canh chừng tôi thì phải. Mỗi khi rảnh rỗi, chú lại chạy ra ngoài chơi bóng ném cùng lũ trẻ hàng xóm. Chú ta xem kẻ ăn bám ở tầng hai này là ngu si hay bị thần kinh gì đó và thường giở giọng người lớn thuyết giáo cho tôi nghe. Vì khí chất của tôi không thể nào mà đi cãi nhau với người ta được nên tôi cứ làm ra vẻ mặt mệt mỏi hay cảm động mà lắng tai nghe, mà phục tùng. Trước đây hình như đã có lần tôi nghe người nhà đồn rằng đứa nhỏ này là con rơi của Shibuya nhưng vì một lý do nào đấy mà ông cá bơn này không nhận mặt. Vì tôi không có hứng thú gì đến chuyện riêng tư người khác nên không biết rõ chi tiết. Nhưng đôi mắt của chú nhỏ này quả thật có chút gì làm người ta liên tưởng đến đôi mắt cá. Không lẽ chú này thật sự là con rơi của ông cá bơn? Nếu vậy thì hai cha con nhà này cô đơn quá. Có lần đêm khuya tôi nghe thấy tiếng hai cha con này gọi mỳ gõ, ngồi ăn với nhau mà chẳng ai nói với ai tiếng nào.
Trong nhà ông cá bơn, việc cơm nước đều do chú nhỏ này đảm nhiệm. Thức ăn cho cái gã phiền phức ở tầng hai được đặt vào một cái mâm do chú ta một ngày ba lần bưng lên bưng xuống. Còn chú nhỏ và ông cá bơn thì ăn uống xì xụp vội vàng ở trong một căn phòng tăm tối bốn chiếu rưỡi dưới cầu thang.
BẠN ĐANG ĐỌC
Thất Lạc Cõi Người
General FictionGiới thiệu: Xa lạ với nhân gian là nỗi ám ảnh bi ai mà nhân vật "tôi" (Yozo) luôn luôn cảm thấy. Anh tin rằng mình không biết cách làm người, đã mất tư cách làm người, đúng như tiêu đề của truyện: "Nhân gian thất cách". Anh đành buông mình thất lạc...