Gió và bụi
Có những chuyến đi trong đó chúng ta không kịp chuẩn bị. Chúng ta không ngờ rằng vì chuyến đi đó chúng ta sẽ không bao giờ được gặp lại những người thương của chúng ta. Chúng ta không biết rằng trong chuyến đi đó, chúng ta sẽ tự đánh mất mình. Chúng ta sẽ dấn thân vào một cuộc phiêu lưu khổ đau mà không bao giờ có cơ hội tìm lại được khung cảnh, không khí tình thương mà hồi thơ ấu chúng ta đã được bơi lội và sống an lành. Tự nhiên trong cuộc dời nổi lên một cơn gió bụi, một tai nạn, và vì tai nạn đó mà chúng ta phải lìa bỏ những người thương của chúng ta, lìa bỏ quê hương của chúng ta. Gió và bụi là hai biểu trưng cho những tai biến của cuộc đời. Gió là một cơn lốc và bụi là bụi đỏ. Cuộc đời thường được diễn tả bằng hình ảnh cát bụi. Cõi trần tức là cõi đời nhiều bụi bặm. Và bụi ở đây thường được cho một cái mầu, đó là mầu đỏ. Ai mang bụi đỏ đi rồi. Thật ra người ta không mang bụi đỏ đi, mà chính bụi đỏ cuốn người ta đi. Gió đóng vai trò cuốn bụi đi. Một cơn gió lốc tự nhiên nổi lên, làm tung cát bụi mù trời và kéo chúng ta đi. Chúng ta không cưỡng được, đi đâu chúng ta không biết. Chúng ta không có bản lĩnh để chống cự lại, chúng ta bị cuốn đi trong cơn lốc, vì chúng ta không chuẩn bị. Thiền sư Huyền Quang sống vào thế kỷ thứ 14 đời Trần, tổ thứ ba của dòng Trúc Lâm, có làm một bài thơ trong đó có danh từ trần thế tức là cõi bụi. Ngài nói rằng có một khu rừng phong rất mát ở trên núi, trời vừa mới mưa tạnh, ngài ra ngoài ấy ngủ trưa. Chừng nửa giờ sau, ngài thức dậy và làm bài thơ:
Vũ quá sơn khê tĩnh
Phong lâm nhất mộng lương
Phản quan trần thế giới
Khai nhãn túy mang mang
Mưa tạnh, khe núi tĩnh
Ngủ mát dưới rừng phong
Nhìn lại cõi đời bụi
Mắt mở vẫn say nồng.Khai nhãn túy mang mang, tức là mắt mình vẫn mở, nhưng mình vẫn say, vẫn không thấy được sự thật. Thường thường khi ngủ, mắt nhắm thì mình mới say. Mở mắt đàng hoàng mà vẫn say, tức là mình không thấy được sự thật, mình như là người không có mắt. Trong đời sống hàng ngày, vì không có chánh niệm, chúng ta mở mắt mà không thấy được sự thật. Nếu không tu tập, không quán chiếu thì chúng ta không có khả năng chống lại và chúng ta sẽ bị gió bụi cuốn đi, đó là chuyện dĩ nhiên. Năm Thúy Kiều mười tám, mười chín tuổi gì đó, tai nạn xảy đến và cô bị cuốn theo cơn cát bụi. Thuở trời đất nổi cơn gió bụi. Cha cô bị oan ức, và vì chế độ có nhiều tham nhũng nên cô không thể kêu oan được và cô phải tự bán mình lấy 450 lạng vàng để chuộc cha ra khỏi tù tội. Cô phải hy sinh tình yêu, hy sinh cuộc đời an lành, và dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mười lăm năm đầy dẫy khổ đau. Mình có người yêu, có học, có nhan sắc, có tài năng, mình đáng được sống một cuộc đời hạnh phúc, nhưng khi cơn gió bụi nổi lên thì mình phải buông bỏ tất cả, bỏ cha mẹ, bỏ người yêu, bỏ cuộc sống bình thường của một cô gái lương thiện. Và cất bước ra đi, mình không biết đi về đâu. Cụ Nguyễn Du đã dùng hai câu, hai câu ghê gớm để nói ra cái biến cố lớn đó, để diễn tả sự ra đi của Thúy Kiều:
Đùng đùng gió giục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay
Khổ đau cùng cực
BẠN ĐANG ĐỌC
Truyện Kiều - Văn Xuôi
Historical FictionMình viết cho những bạn nào thắc mắc và muốn đọc về Truyện Kiều hay Đoạn trường tân thanh, mà các bạn chỉ biết qua 3254 câu thơ mình sẽ up truyện theo văn xuôi ko phải thơ nữa